Cả tỉnh Gia Lai thiếu thuốc BHYT vì quy trình đấu thầu thuốc
(Dân trí) - Chỉ vì quy trình đấu thầu thuốc kéo dài gần 1 năm và nhiêu khê, đã khiến cho nhiều cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai rơi vào tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, thậm chí có nơi không còn 1 viên thuốc.
Vừa qua, rất nhiều các bệnh viện tuyến huyện, thị và các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra tình trạng thiếu thuốc trầm trọng; có những trạm y tế cả tháng trời không còn một viên thuốc để cấp phát cho người dân, còn bệnh viện tuyến huyện, thị thì các bệnh nhân khám, chữa bệnh theo hình thức Bảo hiểm y tế (BHYT) phải cầm đơn thuốc ra ngoài quầy bán thuốc tư nhân để mua. Khiến cho quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.
Anh N.V.K trú tại xã An Trung (Kông Chro, Gia Lai) cho biết, mấy tháng trước, anh bị đau bụng nên qua trạm y tế của xã để xin thuốc uống. Nhưng khi tới trạm y tế, thì anh được thông báo cả tháng nay trạm không còn bất kỳ viên thuốc nào. Anh K. thắc mắc thì được phía trạm trả lời là do quy trình đấu thầu thuốc năm nay thay đổi, nên Trung tâm y tế huyện chưa mua được thuốc để cấp về xã.
“Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã thiếu thuốc như vậy. Phần lớn người dân xã An Trung là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn nên nhiều người mỗi khi đau ốm đều phải dựa vào thuốc ở trạm y tế xã, vậy mà lần này thiếu thuốc cả tháng trời”, anh K. cho biết.
Ngày 30/12/2015, chị Thu (trú TP Pleiku, Gia Lai) đến Bệnh viện Đa khoa TP Pleiku khám bệnh theo hình thức BHYT. Sau khi được bác sĩ khám xong, bác sĩ kê đơn thuốc đưa cho chị Thu và dặn chị Thu mang ra quầy thuốc tư nhân mua vì những loại thuốc trong đơn hiện tại bệnh viện không còn loại nào.
“Tôi mua BHYT nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi khám bệnh và dùng đến BHYT nhưng lại không được hưởng lợi gì từ bảo hiểm. Tôi mang đơn thuốc đi mua thì hết gần 1,5 triệu đồng. Nếu được phát thuốc theo bảo hiểm thì chắc tôi không phải mất đồng nào. Bệnh viện mà thiếu thuốc như vậy thì thật vô lý”, chị T. thắc mắc.
Một bác sĩ đang công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho biết, do quy trình đấu thầu thuốc nên cơ quan ông đang công tác xảy ra tình trạng thiếu thuốc rất nhiều. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân khi không được cấp thuốc kịp thời. Không chỉ vậy, việc thiếu thuốc còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân, khi nhiều người bệnh đã lầm tưởng bác sĩ gây khó khăn cho bệnh nhân với ý đồ “vòi vĩnh”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa TP Pleiku cho biết, tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở bệnh viện là có thật, hầu như thuốc nào cũng thiếu và tình trạng này kéo dài đến 4 tháng. Sau nhiều tháng thiếu thuốc, ngày 22-24/12, bệnh viện có quyết định được mua thuốc. Ngày 12-13/1/2016 thì bệnh viện đã mua được thuốc.
Trước tình trạng trên, bệnh viện chỉ được phép mua những loại thuốc cấp cứu, cấp bách dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế. “Một năm có 4 quý, nhưng bệnh viện đã mua dự phòng thuốc lên đến 6 quý nhưng thuốc vẫn bị thiếu”, bà Hương cho biết.
Và tình trạng thiếu thuốc trầm trọng này mới chỉ xảy ra vào những tháng cuối năm 2015, đầu 2016, do quy trình đấu thầu thuốc thay đổi từ đấu thầu tập trung sang đấu thầu đại diện. Nếu trước đây, các bệnh viện chỉ phải làm hồ sơ đấu thầu thuốc 1 lần và khi trúng thầu thì được mua thuốc ngay sau đó. Nhưng từ khi chuyển sang hình thức đấu thầu đại diện, thì các trung tâm y tế cấp huyện, thị tại Gia Lai phải làm hồ sơ đấu thầu lặp lại đến 2 lần, khiến thời gian mua thuốc bị kéo dài.
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai được giao làm đại diện đứng ra đấu thầu. Sau khi đơn vị này trúng thầu, các trung tâm y tế tuyến huyện, thị làm lại hồ sơ tham gia đấu thầu lần 2 và tổ chức đấu thầu…
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, quy trình đấu thầu thuốc do bệnh viện làm đại diện như sau: Trước ngày 17/3/2015, các cơ sở y tế tuyến dưới trên địa bàn tỉnh xây dựng các danh mục thuốc gửi về cho Sở Y tế và Sở Y tế giao lại cho bệnh viện tỉnh. Sau đó, bệnh viện bắt đầu xây dựng kế hoạch đấu thầu, rồi trình lên Sở Y tế có hội đồng thẩm định, sau đó gửi lên UBND tỉnh để phê duyệt giá, kế hoạch. Đến ngày 10/6, thì có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh….
Sau nhiều quy trình, thủ tục thì đến ngày 16/10 gói thầu cuối cùng là gói Đông y được mở. Sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có kết quả đấu thầu thuốc với các công ty dược. Tiếp đó, Sở Y tế lại tiếp tục thành lập lại hội đồng thẩm định lại các danh mục dựa trên kết quả đấu thầu thuốc của bệnh viện tỉnh. Cùng đó là các văn bản đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Còn các bệnh viện tuyến huyện, thị một lần nữa phải xây dựng lại kế hoạch đấu thầu thuốc lại từ đầu, tổ chức hội đồng đấu thầu và các y, bác sĩ liên quan phải đi học chứng chỉ đấu thầu. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai sẽ đứng ra tổ chức đấu thầu trực tiếp cho các cơ sở y tế trên với các công ty dược, dựa vào kết quả đấu thầu lần đầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Theo ông Cường, thì quy trình làm thủ tục đấu thầu của bệnh viện trễ hơn so với quy định khoảng 10 ngày, do vấn đề hành chính, giấy tờ rườm rà.
Theo bác sĩ Nguyễn Tự Tín- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, quy trình đấu thầu thuốc trên còn có điểm bất cập là có loại thuốc dù đã trúng thầu khi được tổ chức đấu thầu đại diện. Nhưng khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu lại, thì bệnh viện không mua được thuốc do số lượng mua ít nên các công ty dược không đến tham gia…
Một số y, bác sĩ cho chúng tôi biết, trước đây, các tuyến cơ sở y tế huyện, thị chỉ phải xây dựng kế hoạch và tham gia đấu thầu 1 lần. Nhưng từ khi chọn hình thức đấu thầu đại diện thì họ phải xây dựng kế hoạch đấu thầu đến 2 lần, phải mất thêm thời gian đi học chứng chỉ đấu thầu… sau nhiều thủ tục nhiêu khê, lặp lại thì họ vẫn phải trực tiếp tham gia đấu thầu mua thuốc từ các công ty dược.
Ông Trần Duy Linh- Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, nếu thời điểm thiếu thuốc là tháng 9, 10/2015 thì đây là thời điểm “giáp hạt” nên phải chia sẽ, thông cảm cho chúng tôi. Và đánh giá về quy trình đấu thầu thuốc của ngành y tế tỉnh Gia Lai theo hình thức đại diện thì ông đánh là là tương đối tốt. Còn việc chọn hình thức đấu thầu đại diện là do nhân lực của các bệnh viện tuyến huyện, thị còn thiếu. Nếu chọn hình thức đấu thầu khác thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của các bác sĩ…
Thiên Thư