Cà Mau nhắn tin đến điện thoại người dân cảnh báo bệnh dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL, tỉnh Cà Mau khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để cảnh báo, phòng, chống không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh.

Ngày 24/5, ông Nguyễn Văn Đen- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã phối hợp với các nhà mạng (Vinaphone, Viettel, Mobifone) triển khai việc nhắn tin về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến tất cả các thuê bao điện thoại di động của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, nội dung tin nhắn: Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, mọi người cần thự hiện Bốn không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn (heo) bệnh, chết hoặc không có đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi lợn.

Hai phải: Phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y và Trưởng ấp, khóm khi phát hiện heo bệnh, chế; phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Một chỉ: Chỉ sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y và qua nấu chín.

Mỗi ngày nhắn tin một lần, thời gian nhắn bắt đầu từ ngày 25/5 đến 31/5. Hai ngày nhắn tin một lần, thời gian nhắn bắt đầu từ ngày 1/6 cho đến khi hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên cả nước.

Cà Mau nhắn tin đến điện thoại người dân cảnh báo bệnh dịch tả lợn châu Phi - 1

Cà Mau triển khai nội dung tin nhắn đến điện thoại di động người dân trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 75.000 con lợn, do đó nếu để dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Do đó, Cà Mau xác định nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.

Một trong những biện pháp quyết liệt là tỉnh Cà Mau không cho phép lợn, sản phẩm từ lợn nhập tỉnh khi chưa có kiểm dịch tại gốc và giấy tờ hợp lệ. Đối với các phương tiện vận chuyển (ô tô, xe máy, tàu thuyền,...) thịt lợn, sản phẩm từ lợn vào tỉnh Cà Mau, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch tại gốc không cho vào tỉnh.

Với những phương tiện có giấy chứng nhận, giấy vận chuyển thì phải di chuyển qua hố tiêu độc, sát trùng hoặc phun xịt thuốc sát trùng tại các trạm, chốt có liên quan trước khi vào tỉnh.

Huỳnh Hải