Ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc đã vượt cửa tử như thế nào?
(Dân trí) - Sau gần 50 ngày điều trị, có những thời điểm tưởng như không thể qua khỏi, bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc đã chính thức được xuất viện.
Nhìn lại cuộc chiến dài hơi với Covid-19 mà mình cùng các bác sĩ đã vượt qua, ông N.V.H (BN793) cho biết, đây sẽ là hành trình không thể nào quên.
Ngày 5/8, ông H. được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có các yếu tố nghi ngờ mắc Covid-19. Bắt đầu là một số triệu chứng nhẹ như ho, mệt mỏi, nhưng chỉ một vài ngày sau, tình trạng của ông nặng lên thấy rõ.
Có dấu hiệu suy hô hấp, BN793 được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực và hỗ trợ thở oxy mask. Dẫu vậy, trong giai đoạn này, ông vẫn là trường hợp có tình trạng khả quan nhất trong số 3 ca bệnh nặng của miền Bắc, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận thời điểm đó (2 trường hợp còn lại là BN812 và BN867).
Tuy nhiên, trong khi BN812 và BN867 đáp ứng tốt với điều trị và dần cai được thở máy, ông H. lại diễn tiến xấu theo từng ngày. Từ thở oxy mask, ông phải chuyển sang thở máy không xâm nhập và đến ngày 24/8, vì suy hô hấp nặng và yếu cơ, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản để ông thở máy xâm nhập.
Ông H. nhớ lại thời điểm này: “Tình trạng ho của tôi ngày càng nặng. Mỗi lần ho phải lấy tay giữ ở ngực và cảm thấy rất khó chịu. Toàn thân của tôi rã rời. Có một hôm, bác sĩ đến và bảo phổi của tôi qua phim chụp chỉ thấy một màu đen. Sau đó một vài ngày, tôi yếu dần đi và không còn nhớ gì nữa”.
Thời điểm rơi vào hôn mê cũng là lúc các bác sĩ phải cho ông chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), và đây cũng chính là giai đoạn nguy kịch nhất của người đàn ông 58 tuổi này.
BS Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: “3 ngày chạy ECMO đầu tiên của BN793 là giai đoạn căng thẳng nhất. Chúng tôi gần như phải liên tục đứng cạnh giường bệnh để điều chỉnh từng con số trên máy ECMO, dựa trên diễn biến của bệnh nhân”.
Cũng theo BS Phúc, tình trạng phổi lúc này của ông H. cực kỳ xấu. Bên cạnh đó, ông còn bị bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, đáp ứng với điều trị kém nên tiến triển rất chậm.
Có những thời điểm mọi hỗ trợ về ECMO và thở máy đều được thực hiện ở công suất tối đa, và các y, bác sĩ thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.
Tín hiệu tích cực chỉ lóe lên ở ngày thứ 4 bệnh nhân này chạy ECMO. Các tổn thương phổi dần được cải thiện, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Ngày 4/9, ông H. cai được ECMO và ngay ngày hôm sau, ông cũng được rút ống nội khí quản.
“Thời điểm ông H. cai được ECMO, tất cả các y, bác sĩ trong Bệnh viện đều rất vui mừng, bởi lúc đó coi như chúng tôi đã đi được một nửa chặng đường”, BS Phúc nói.
Nhớ về thời điểm mình cùng các bác sĩ vượt qua cửa tử, ông H. cũng không giấu được niềm vui: “Khi tôi tỉnh dậy, nghe các bảo sĩ bảo rằng, mình là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc nhưng may mắn phổi đã tiến triển tốt, thực sự tôi cảm thấy như mình được sinh ra lần thứ 2”.
Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy kịch này, ông H. cùng các bác sĩ vẫn còn một chặng đường dài để hồi phục hoàn toàn thể trạng. “Tôi cai thở máy nhưng trong người vẫn rất mỏi, các y, bác sĩ bóp tay, chân giúp tôi thoải mái hơn. Đáng nhớ nhất vẫn là đêm tôi lên cơn ho. Lúc đấy đã 12 giờ nhưng các y, bác sĩ vẫn đứng bên tôi cả tiếng đồng hồ để vỗ ngực và vỗ lưng”, ông tâm sự.
Trong ngày hôm nay, niềm vui của ông H. như được nhân đôi, vì cháu nội (BN794) và con dâu (BN811) của ông cũng được công bố khỏi bệnh. Ông H. không quên khoe với chúng tôi rằng, 6 thành viên trong gia đình ông mắc Covid-19 đều đã khỏi bệnh gần hết, chỉ còn vợ ông đang dương tính SARS-CoV-2, nhưng tình trạng sức khỏe đã rất tốt.
Hôm nay, cụ ông 72 tuổi ở Hải Dương mắc Covid-19 (BN1045), từng phải thở máy xâm nhập, cũng được xuất viện. Theo đánh giá của BS Phúc, ông cũng là một ca bệnh có tình trạng rất xấu. Ngay khi vừa nhập viện, bệnh nhân đã lập tức phải đặt ống nội khí quản để thở máy xâm nhập vì suy hô hấp nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
BS Phúc nhận định: “BN1045 là người cao tuổi, lại mắc bệnh nền như phì đại tuyến tiền liệt, thoát vị đốt sống cổ nên tiên lượng rất nặng. Thời gian đầu, ông có nguy cơ phải chạy ECMO. Tuy nhiên, may mắn là sau đó ông đáp ứng thở máy tốt nên tình trạng ngày một cải thiện”.
Ngoài các trường hợp kể trên, một trường hợp khác cũng được công bố khỏi bệnh là BN751, là nam, 45 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Sau khi được công bố khỏi bệnh, 5 bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly, theo dõi y tế thêm 14 ngày.