Ca Covid-19 đầu tiên của đợt dịch mới: "Tôi sốc khi biết mình mắc bệnh"
(Dân trí) - "Có nằm mơ tôi cũng không thể tin được rằng, Covid-19 vẫn còn ở Việt Nam", giọng nói của người phụ nữ trẻ truyền đến từ đầu dây của phòng điều trị dành riêng cho bệnh nhân Covid-19.
Nữ bệnh nhân mở đầu làn sóng Covid-19 thứ tư
Chị là T.T.H, 34 tuổi là công nhân của Công ty Poyun (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cũng là ca Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên ghi nhận ở thành phố Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung, trong làn sóng thứ tư của đại dịch (BN1552).
Chỉ cách đây hơn 1 tuần, chị H. vẫn đến công xưởng may để làm việc và cũng như bao người khác, trông chờ vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán chỉ còn đếm ngược từng ngày.
Trải qua hơn 50 ngày nước ta không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, với chị H. Covid-19 dường như đã đi xa khỏi lãnh thổ Việt Nam.
"Trước đó, tôi xuất hiện cảm giác đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, chỉ nghĩ là ốm bình thường do tắm nước lạnh. Đến hôm sau, tôi tiếp tục có triệu chứng sốt, khi đi khám được kết luận là viêm phế quản, được cho uống thuốc nhưng không đỡ. Thế nhưng tôi cũng không nghĩ ngợi gì về bệnh tình của mình", chị H. tâm sự.
3 ngày sau, tin dữ báo về từ Nhật Bản, chị dâu của chị H. có kết quả dương tính với biến chủng mới của SARS-CoV-2, khi làm xét nghiệm ở sân bay Osaka của nước sở tại.
Được chính quyền địa phương thông báo sẽ đến lấy mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2, vì trước đó đã đi làm cùng xe máy với người chị dâu, chị H. xin nghỉ sớm ca làm hôm đó. Tuy nhiên, ngay cả thời điểm đấy, nữ công nhân trẻ cũng không mảy may lo sợ rằng, mình có khả năng bị nhiễm Covid-19.
Tối 27/1, nhận kết quả khẳng định mình bị dương tính với SARS-CoV-2, chị H. như chết lặng.
"Thực sự lúc ấy tôi đã bị sốc. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tại sao mình lại mắc bệnh. Bởi tôi làm công nhân, ngày nào cũng chỉ đi từ nhà đến nhà máy. Chị dâu tôi cũng như vậy. Dịch bệnh có thể đến từ đâu được?", vừa dứt lời, nữ bệnh nhân trẻ lại húng hắng ho.
"Tôi thấy rất áy náy với bản thân và xã hội"
Đêm đầu tiên trong phòng cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chị H. gần như không ngủ, bởi trong đầu chị lúc này chất đầy những suy nghĩ hỗn độn và hàng loạt câu hỏi "Vì sao?".
Kết quả thăm khám chỉ ra rằng, chị H. có tình trạng sốt, viêm phổi do virus. Chụp CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương dạng nốt và đám kính mờ ở phổi.
Thế nhưng, trước câu hỏi: "Kể từ khi mắc Covid-19, điều gì khiến chị sợ nhất?". Đáp án của nữ công nhân này lại không phải là căn bệnh mình đang mang trong người.
"Mỗi sáng, mở máy điện thoại ra xem thấy lại có thêm rất nhiều người mắc bệnh có liên quan đến mình, khiến tôi cảm thấy rất sợ, nhất là những ngày đầu tiên. Chỉ trong phòng cắt mà tôi làm việc, đã có hơn 70 chị em bị lây nhiễm. Thực sự tôi thấy rất áy náy với bản thân và xã hội", chị H. bộc bạch.
Chị kể rằng, điều may mắn là từ khi mắc bệnh, các chị em thân thiết trong xưởng may cùng mắc Covid-19 lại lập nhóm trò chuyện chung trên mạng xã hội. Mọi người động viên, hỏi han nhau hàng ngày. Sự sẻ chia từ những người đồng cảnh ngộ, đối với chị H. chính là một chỗ dựa tinh thần rất lớn.
Được hỏi về mong muốn lớn nhất lúc này, nữ bệnh nhân đột nhiên nấc nghẹn: "Nhiều lúc tôi tự động viên bản thân rằng, chỉ là do mình không may nên mắc bệnh. Nhưng điều tôi lo nhất là 2 đứa con ở nhà và những người thân đã tiếp xúc với mình. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm dừng lại và mọi người đều bình an".