Ca bệnh thứ 22 tái dương tính với Covid-19: “Người lành mang virus”

(Dân trí) - Đánh giá về ca bệnh tái dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay thời điểm xuất cảnh rời khỏi Việt Nam, BS Trương Hữu Khanh nhận định, đây có thể là sắc thái của người lành mang trùng.

Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, điều hành khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM chỉ ra: Tại Việt Nam đã xuất hiện đầy đủ các sắc thái của bệnh lý hô hấp mới do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đầu tiên là nhóm bệnh nhân từ Vũ Hán về nước, tất cả đều rất nhẹ. Đợt thứ hai của dịch là những bệnh nhân từ châu Âu, vài ca về nước từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng các ca bệnh nặng chủ yêu là những người nhập cảnh vào Việt Nam từ châu Âu.

Ca bệnh thứ 22 tái dương tính với Covid-19: “Người lành mang virus” - 1
Người khỏi bệnh sau điều trị vẫn có thể mang virus, có khả năng lây cho người khác

Các sắc thái của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ: Những ca rất nặng phải thở máy, lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo); những ca có triệu chứng bất ngờ (trường hợp cụ thể là nữ điều dưỡng với các biểu hiện nhức mỏi, đau họng đột ngột); những ca có biểu hiện rất nhẹ chỉ đau nhức cơ thể, uống thuốc, khỏi bệnh (ca bệnh ở Hạ Lôi – Hà Nội) đây là sắc thái của người mang bệnh nhưng gần như không có triệu chứng.

Một thực thể khác vừa được ghi nhận là trường hợp của bệnh nhân người Anh (60 tuổi) nhiễm Covid-19 điều trị tại Đà Nẵng đã công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi hành khách từ Đà Nẵng vào TPHCM để về nước thì mẫu xét nghiệm lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo BS Trương Hữu Khanh thì đây là sắc thái của người lành mang trùng (virus) sau khi được điều trị khỏi bệnh nhưng cơ thể không loại trừ triệt để virus.

Ca bệnh thứ 22 tái dương tính với Covid-19: “Người lành mang virus” - 2

Việc giám sát dịch trong cộng đồng để phát hiện ca bệnh sẽ giúp ngăn chặn sớm nguồn lây (ảnh: Nguyễn Quang)

Theo y văn của bệnh lý thì có ghi nhận tình trạng đã hết bệnh chuyển sang người lành mang trùng. Virus tồn tại ở người lành vẫn lây bệnh. Nếu thực tế này đang diễn ra thì virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu thuần với cơ thể người mang bệnh. Trong trường hợp này, các giải pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm vẫn không thay đổi, mặt khác các giải pháp bảo vệ với nhóm đối tượng nguy cơ cần thực hiện quyết liệt hơn để bệnh lây chậm lại tới mức virus từng bước thích nghi, tự thuần với cơ thể hoặc tới khi có vắc xin phòng ngừa.

Nếu người lành mang trùng nhưng không thực hiện các giải pháp phòng tránh nguy cơ để bệnh tự lây trong cộng đồng thì sẽ rất nguy hiểm khi số ca bệnh tăng vọt, việc đáp ứng điều trị đối mặt với nguy cơ “vỡ trận”. Khi người lành mang trùng điều đó đồng nghĩa với SARS-CoV-2 đã trở thành virus thông thường, việc bảo vệ những người lớn tuổi, người có bệnh lý nền là giải pháp quan trọng để giảm số ca bệnh nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Ca bệnh thứ 22 tái dương tính với Covid-19: “Người lành mang virus” - 3
Giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc là việc phải làm để virus không có cơ hội lây truyền (ảnh: Nguyễn Quang)

Sau giai đoạn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam từ các quốc gia khác, đến nay bệnh đã lây lan trong cộng đồng, những ca bệnh gần đây ghi nhận là nhóm người lao động. Cụ thể là công nhân tại công ty Samsung (Bắc Ninh) người buôn bán ở chợ (Hà Nội) được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Nếu không thực hiện triệt để các giải pháp phòng dịch thì nguy cơ bùng phát ở mức rất cao khi chính những đối tượng trên sẽ trở thành nguồn lây rất dễ dàng cho người thân, cộng đồng.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, BS Hữu Khanh khuyến cáo: Tất cả mọi người cần chú ý tới sức khỏe của mình, khi có biểu hiện bất thường cần báo cho cơ quan để nghỉ làm, không tiếp xúc với người lớn tuổi, đi kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh. Y tế cơ quan cần phải thực hiện khai báo y tế thường xuyên, đo thân nhiệt, giãn cách người lao động theo quy định, không tập trung đông người ở các thời điểm ăn uống, làm việc, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ lây bệnh khi gửi xe, sử dụng chung phương tiện di chuyển.

Vân Sơn