Bước tiến ngoạn mục trong mổ tim: Từ mổ ‘phanh ngực’ đến đường mổ chỉ 1,5 cm
(Dân trí) - Từ một cuộc mổ tim đại phẫu, bác sĩ phải cưa mở toàn bộ xương ức của bệnh nhân một đoạn dài 20 cm, sau đó khâu lại bằng chỉ thép thì giờ đây bác sĩ có thể chỉ cần mổ nội soi. Vết mổ nhỏ 4-6 cm, thậm chí 1,5 cm, bằng vết đặt ống dẫn lưu nếu nội soi toàn bộ.
Công trình Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong phẫu thuật tim hở tại Việt Nam của GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương và các cộng sự đã giành Giải nhất Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2019.
Nhóm tác giả gồm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Nguyễn Công Hựu, Đỗ Anh Tiến, Nguyễn Trần Thủy, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Đỗ Hùng, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Thái Long, Phan Thảo Nguyên, Trần Đắc Đại, Phạm Thành Đạt.
Ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lên sân khấu cùng bà Nguyễn Thị Doan trao giải Nhất, lĩnh vực Y Dược cho các tác giả.
Một bước tiến ngoạn mục trong mổ tim
Với phương pháp mổ tim kinh điển truyền thống, các bác sĩ sẽ cưa mở toàn bộ xương ức của bệnh nhân một đoạn dài 20 cm, cuối cùng phải khâu lại bằng chỉ thép cố định cả đời. Thời gian hồi phục của người bệnh lâu, chưa kể các biến chứng như nhiễm trùng xương ức, có thể dẫn đến tử vong.
Đường mổ này cũng để lại hậu quả lớn, lồng ngực có thể bị biến dạng thành lồng ngực gà. Với những người có cơ địa sẹo lồi sẽ để lại một đường sẹo lớn, giữa ngực, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ đặc biệt là với phụ nữ.
Trong khi đó, phẫu thuật nội soi đã được triển khai trong các chuyên ngành phẫu thuật từ nhiều năm với kết quả hết sức khả quan. Cụ thể, giảm thiểu sang chấn phẫu thuật giúp người bệnh hồi phục nhanh, giảm đau, đỡ mất máu trong mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng, vấn đề thẩm mỹ với sẹo mổ nhỏ.
Trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch, với sự tiến bộ của công nghệ, từ cuối những năm 1990, nhiều nước đã áp dụng các phương pháp phẫu thuật này trong mổ tim hở. Tại Việt Nam, việc ứng dụng phẫu thuật nội soi trong mổ tim còn nhiều hạn chế.
Với mong muốn ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới nhằm nâng cao chất lượng điều trị phẫu thuật các bệnh lý tim mạch, khắc phục những bất cập của phương pháp mổ mở truyền thống, nhóm tác giả của Bệnh viện E đã thực hiện công trình nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong mổ tim hở.
Theo đó thay vì đường mổ cưa mở toàn bộ xương ức, phương pháp mổ nội soi sử dụng đường mở ngực nhỏ từ 6 cm, xuống 4 cm, sau đó đến nội soi toàn bộ thì đường mổ chỉ 1,5 cm. Đây là tiến bộ hết sức đáng ghi nhận.
"Tôi muốn học trò của mình học tốt, làm tốt vai trò của mình: chữa bệnh giỏi, làm nghiên cứu khoa học, giảng dạy và chuyển giao khoa học công nghệ", GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.
Chia sẻ về nghiên cứu, GS. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết ngay từ khi còn làm trưởng khoa tại Bệnh viện Việt Đức, ông đã đau đáu vấn đề bỏ đường mở xương ức, những bệnh lý nào có thể tránh đường mổ lớn này thì tránh tối đa. Trong 3 năm tiếp theo, những kỹ thuật này đã trở thành thường quy, mổ nhìn trực tiếp qua đường ngực thay vì mở đường giữa xương ức.
Sau đó kết hợp với các chuyến đào tạo nước ngoài ở Mỹ, Đức, nghiên cứu trong nước so sánh các bác sĩ nhận thấy Việt Nam có thể triển khai phẫu thuật nội soi tim.
Năm 2013, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã thực hiện ca mổ nội soi tim đầu tiên. Từ năm 2017, một số bệnh lý được mổ nội soi toàn bộ, đặc biệt bệnh lý khó như thông liên thất. Ngoài ra những bệnh lý đơn giản như thông liên nhĩ, u trong tim thì mổ nội soi toàn bộ.
GS Thành nhớ lại khó khăn của nhóm nghiên cứu khi thực hiện ca nội soi tim đầu tiên không phải là kỹ thuật mà là trang thiết bị.
Kỹ thuật 3 trocar để tim đập trong đóng lỗ thông liên nhĩ được báo cáo tại một hội nghị quốc tế.
“Kinh nghiệm mổ mở, mổ trực tiếp chúng tôi có rất nhiều nên không khó về mặt kỹ thuật, song gặp khó về phương tiện. Các trang thiết bị cho một cuộc mổ nội soi cũng rất dễ hỏng phải thay thường xuyên. Ở các nước phát triển, bảo hiểm y tế chi trả trọn gói nên nhiều đồ chỉ dùng một lần, ở nước ta thì ngược lại. Cái gì có thể dùng lại được thì tiệt trùng để dùng lại để tiết kiệm chi phí”, GS Thành cho biết.
GS Thành cũng cho biết thêm từ đường mổ xương ức dài 20 cm chuyển sang đường mổ ở ngực 12-18 cm, sau đó 4-6 cm. Các bác sĩ cũng không dùng banh sườn bằng sắt mà dùng banh sườn mềm nên không bao giờ gãy xương sườn, không dùng chỉ thép, tránh được việc cưa mở xương ức nên tránh tình trạng nhiễm trùng, tránh chỉ thép. Nếu nội soi toàn bộ thì đường mổ ở ngực chỉ 1,5 cm, vết mổ như vết đặt ống dẫn lưu.
“Đây là một bước tiến ngoạn mục. Xưa tôi không thể nghĩ sẽ có một ngày mình mổ thay một cái van, vá thông liên nhĩ mà đường mổ bé như thế. Thế nên ca mổ đầu tiên phấn khởi lắm vì đường mổ bé.”, GS Thành vui vẻ nói.
Có thể triển khai mổ nội soi thành thường quy với nhiều bệnh lý tim mạch
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ nội soi, phương thức phẫu thuật của các trung tâm phẫu thuật tim mạch trên thế giới đồng thời cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, giảm thiểu nguy cơ tai biến. Chẳng hạn, đặt ống động mạch đùi gián tiếp qua mạch Dacron loại trừ nguy cơ lóc tách mạch máu ngược dòng, cải tiến phương thức bộc lộ phẫu trường trong mổ bằng các mũi chỉ khâu treo, kỹ thuật 3 trocar để tim đập trong đóng lỗ thông liên nhĩ, chiến thuật không thắt tĩnh mạch chủ dưới khi mở vào nhĩ phải.
Tại Bệnh viện E hiện nay 100% các bệnh tim đơn giản như mổ thay van hai lá đều được mổ nội soi.
Bệnh viện E đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim nội soi cho hầu hết các bệnh viện trong cả nước tại Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội… Theo GS Thành, để mổ nội soi cần có lộ trình đào tạo. Mổ nội soi chỉ tốt khi người phẫu thuật đó có kinh nghiệm nhất định về mổ mở, được đào tạo về mổ nội soi cơ bản.
“Với những ứng dụng về công nghệ trong lĩnh vực y tế, mổ nội soi thậm chí có thể giúp phẫu thuật viên nhìn rõ hơn mổ thường. Những góc khuất xưa tưởng mổ mở nhìn thấy thì mổ nội soi nhìn rõ hơn. Song mổ nội soi khó ở chỗ, nếu không có lộ trình đào tạo cẩn thận, không may khi mổ có biến chứng thì rất khó xoay sở. Vì một khi có biến chứng thì bắt buộc phải quay ra mổ mở”, GS Thành nhấn mạnh.
Đến nay Bệnh viện E đã mổ hơn 900 bệnh nhân bằng phương pháp mổ nội soi. Kỹ thuật đạt tỷ lệ thành công cao, gần 96%. Tỷ lệ tai biến chung là 4%.
Phương pháp này được ứng dụng trong các bệnh lý như thông liên nhĩ, thông liên thất, van hai lá (thay hoặc sửa van), sửa toàn bộ thông sàn nhĩ thất bán phần, u nhầy nhĩ trái, u nhầy nhĩ phải, u mỡ thất phải, cắt màng ngăn nhĩ trái, sửa van động mạch phổi, bắc cầu động mạch liên thất trước. Đây là phương pháp an toàn, khả thi, có thể triển khai thường quy trong điều kiện nước ta.
Tại Bệnh viện E hiện nay 100% các bệnh tim đơn giản như thay van hai lá đều mổ nội soi. Ngay sau khi rút nội khí quản, tất cả mọi hoạt động của bệnh nhân gần như bình thường trở lại.
Nếu nội soi toàn bộ, bệnh nhân phối hợp tốt, thậm chí sáng mổ đến chiều bệnh nhân có thể đi lại được. Trong khi nếu mổ xương ức thì phải mất 10-12 tuần bệnh nhân mới có thể đi lại được.
“Đa phần bệnh nhân đến với bệnh viện là do biết thông tin qua mạng, họ đến và yêu cầu được hưởng kỹ thuật này. Điều này hết sức có ý nghĩa với chúng tôi”, GS Thành nói.
Nam Phương - Hồng Hải