Bùng phát dịch tiêu chảy do vi rút

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa đông, dịch tiêu chảy cấp do vi rút lại tăng mạnh. Thời điểm này, ở bất cứ phòng khám tư nhân hay bệnh viện nào, số người đến khám do tiêu chảy vi rút ở cả người lớn và trẻ em đều tăng mạnh.

Nôn trớ - dấu hiệu sớm nhất của bệnh

Tại một phòng khám nhi Hà Đông, mấy ngày nay, số trẻ đến khám do tiêu chảy chiếm tỉ lệ khá lớn. Hầu hết các bé đến khám đều trong tình trạng nôn trớ liên tục. Nhiều bé nôn cả vào bác sĩ khi khám và rất nhiều cháu được chỉ định truyền dịch ngay tại phòng khám này.

Ngày 13/12, chị Hải (CT2A, Văn Quán, Hà Đông) thấy con bị nôn thốc nôn tháo 4 lần chỉ trong một buổi chiều, thậm chí lúc bé đang ngủ cũng bị nôn ộc ra nên đã gọi điện cho bác sĩ. Vừa nghe chị kể bệnh, bác sĩ đã khuyên nên đưa con vào viện khám vì khả năng rất lớn bé bị tiêu chảy do vi rút, mà nôn trớ chính là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh.

Vào đúng ngày nghỉ, chị ngại không đưa con tới viện mà chỉ đưa bé tới phòng khám 58 Nhuệ Giang. Tại đây, vừa kể triệu chứng, bác sĩ đã phải thốt lên “lại dính dịch rồi”.

Chị Hải không yên tâm, bày tỏ băn khoăn với bác sĩ vì bé chỉ nôn, trớ không hề có dấu hiệu đi ngoài? BS khám bệnh cho biết, bé nhà chị không viêm họng, không bị sốt, vì thế, nôn trớ chỉ có thể là lồng ruột hoặc tiêu chảy. Trong khi đó, kết quả siêu âm ổ bụng không cho thấy hình ảnh lồng ruột mà chỉ thấy dạ dày có nhiều hơi.

BS giải thích, nếu nôn trớ xuất hiện cùng với hiện tượng tiêu chảy thì rất dễ dàng nhận biết. Nhưng rất nhiều trường hợp, sau nôn trớ vài tiếng, thậm chí sau một ngày bé mới bắt đầu bị đi ngoài thì nhầm tưởng bé bị nôn là do hóc, có vấn đề ở họng nên không vội cho bé đi khám. Vì thế, bé không được uống thuốc giảm nôn, uống oresol khiến tình trạng nôn, trớ vẫn nặng lại kèm theo mất nước, bé rất uể oải, mệt mỏi, quấy khóc.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 15/12, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết: "Mặc dù không có thống kê cụ thể vì số bệnh nhi ra - vào viện liên tục nhưng số lượng bệnh nhân bị tiêu chảy do vi rút bắt đầu tăng mạnh. 

Cũng theo BS Dũng, có thể nói, nôn trớ là một trong những dấu hiệu cơ bản để nghĩ đến khả năng bé bị tiêu chảy. Cũng có những bé bị đi ngoài rồi mới nôn nhưng đại đa số đều bị nôn trớ rồi mới đi ngoài. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ đến rất bất ngờ, bé vẫn đang chơi đùa khoẻ mạnh, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó. Vì vừa mất nước, lại vừa thiếu dinh dưỡng nên bé sẽ bị suy kiệt nhanh chóng nếu không được điều trị.

Lúng túng khi con bị đi ngoài

TS Dũng cho biết, tiêu chảy mùa đông thường do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày là khỏi. Trẻ bị bệnh thường có các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mệt, nôn, đầy hơi, tiêu chảy... Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải.

Khi bị bệnh, trẻ thường không phải uống thuốc gì ngoài bù nước, uống thuốc chống nôn trớ, giảm đầy hơi và dinh dưỡng tốt vài ba ngày là bệnh khỏi. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng rất nhiều bà mẹ lúng túng không biết chăm sóc cho trẻ như thế nào khi bé bị tiêu chảy. Vì bé cứ ăn vào là nôn ngay, kể cả ăn đồ loãng như sữa.

Chị Thuý (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ chiều ngủ dậy đến buổi tối, con trai chị cứ 30 phút đi ngoài một lần. Bụng bé to, đầy hơi, mà cứ cho ăn gì là nôn ra đó. Chị lại nghĩ con giả vờ để trốn ăn, quát tháo ầm ĩ, làm đủ mọi cách cho bé ăn mà vẫn bị nôn ra. Rồi bé nhất định không uống oresol dù mẹ nịnh nọt, quát mắng. Cu cậu mất nước sọp cả người, chị phải đưa bé đến bệnh viện truyền dịch. Thật may, chiều nay bé đã bớt đi ngoài, bụng không còn đầy hơi nên lại ăn “ầm ầm”.

BS Dũng khẳng định: "Với trẻ bị đi ngoài do vi rút, quan trọng nhất là vấn đề bù dịch. Nếu mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong. Vì thế, bằng mọi cách, phải cho trẻ uống oresol pha đúng theo quy định. Uống từ từ, từng chút một, túc tắc từng thìa. Còn sau khi mỗi lần đi ngoài, phải uống nhiều hơn, tối thiểu là 50ml để phòng mất nước cho bé.

Nhiều bé bướng, khóc, không chịu uống oresol mà đòi nước khác. Nếu cha mẹ chiều bé một lần, lần sau bé lại tiếp tục “ăn vạ” vì biết chắc sẽ được đáp ứng sẽ là không tốt. Khi bé bị tiêu chảy, hãy loại bỏ tất cả các loại nước hoa quả kèm đường, nước ngọt… mà chỉ cho bé uống oresol. Mất nước, khát và không được đáp ứng loại nước khác, bé sẽ phải uống.

Còn về dinh dưỡng, vẫn phải cho trẻ ăn uống bình thường, không kiêng khem. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng ngoan ngoãn ăn vì do tình trạng trướng bụng. Đừng vì thế mà các mẹ quá lo lắng, căng thẳng nghĩ đủ cách nhồi nhét vào cho bé. Hiện tượng đầy hơi thường chỉ hết sau 1 - 2 ngày. Vì thế, thay vì cố ép bé ăn, hãy nhử bé từng chút một, thậm chí, một lần uống được 20ml sữa cũng đáng quý. Sau khi hết hiện tượng đầy bụng, bé sẽ ăn “trả bữa” nhanh chóng. Dù ăn ít, nhưng nếu được bù nước tốt bằng oresol, bé cũng không mấy mệt mỏi, thậm chí vẫn đùa nghịch như thường.
 
Còn nếu thấy bé đi ngoài nhiều, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo... cần đưa ngay vào BV để được truyền dịch kịp thời.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ