1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bực mình như gặp phải “sản phẩm từ sữa bị hỏng”!

(Dân trí) - Khi gặp 1 sản phẩm làm từ sữa nào bị hỏng, tâm lý đầu tiên của người tiêu dùng là nghi ngờ chất lượng sản phẩm và gọi tới đường dây nóng, thậm chí tẩy chay sản phẩm. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là gần như 100% các nhãn hàng đều gặp tình trạng này.

Mất tiền mua bực mình?

 

Nhiều lần mua sữa chua của công ty trong nước M.C nhưng đây là lần đầu tiên chị Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) gặp tình trạng sữa lên vị chua gắt. Do đã mua hơn 1 ngày, lại không phải ở hàng quen, nên chị Phương quyết định không khiếu nại mà chỉ “cạch” luôn hàng bán.

 

Trước đây một sản phẩm của công ty sữa lớn trong nước đã gặp phải tình trạng khó xử khi khách hàng chia sẻ hình ảnh hũ sữa chua có đỉa trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh đã được lan truyền nhanh chóng và tạo “cơn sốt” đối với người dùng. Tuy chưa biết thực hư ra sao nhưng những hình ảnh như vậy có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

 

Trên thực tế, có thể tìm thấy 166.000 kết quả phản ánh sữa bột, sữa chua, sữa tươi, váng sữa hỏng, mốc của đủ các thương hiệu trong và ngoài nước (cả nhập khẩu chính ngạch lẫn xách tay) trên Google. Và đa phần người phản ánh đều không hài lòng với câu trả lời “những hỏng mốc này là do khâu vận chuyển, bảo quản” của công ty sản xuất, phân phối sản phẩm và “mong quý khách thông cảm”.

 

Lý giải của nhà sản xuất?

 

Một thực tế cho thấy, các thương hiệu nhỏ hoặc có nguồn gốc không rõ ràng khi sản phẩm có sự cố thì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm hoặc có những giải thích không thỏa đáng cho khách hàng. Còn những thương hiệu lớn hơn, từ các nhà sản xuất uy tín thường khi sản phẩm có dấu hiệu lạ thì đại diện công ty liên hệ khách hàng nhanh chóng để chia sẻ các rủi ro và có cách hình thức đảm bảo quyền lợi khách hàng phù hợp.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, 1 chuyên gia về giám sát chất lượng sản phẩm sữa A. tại Singapore (nơi đặt nhà máy đóng gói các sản phẩm sữa của hãng) khẳng định: quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm rất nghiêm ngặt, đặc biệt là khâu đóng gói sản phẩm, luôn đảm bảo vô trùng tuyệt đối và được cách ly triệt để với môi trường bên ngoài nên không thể có chuyện nấm mốc hay côn trùng lọt vào sản phẩm… Trên thực tế, để vào được các khu vực bên trong nhà máy, dù là người trong hay ngoài nhà máy, đều phải tuân thủ các quy định về vệ sinh như rửa tay, thay giày dép, mang găng tay, khẩu trang, mặc áo, đội mũ chuyên dụng và chỉ được phép có mặt ở những khu vực quy định.

 

Còn theo đại diện của một công ty uy tín ở Việt Nam chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa chua và váng sữa trẻ em ở Châu Âu cho biết: Đối với sản phẩm nhập khẩu, được sản xuất ở Châu Âu, máy móc và trang thiết bị sản xuất đều có các ký hiệu thể hiện ngày giờ, dây chuyền… sản xuất ra sản phẩm đó để nếu gặp vấn đề nhà sản xuất sẽ dễ dàng có hình thức giải quyết phù hợp, ví dụ: thu hồi lô hàng…
 

Ngoài ra, sản phẩm sẽ chỉ được xuất xưởng khi đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng. Nhất là với sản phẩm được sản xuất từ Châu Âu thì hệ thống quản lý chất lượng rất khắt khe đòi hỏi rất nhiều giấy tờ chứng minh từ: giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm, giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng….

 

Rõ ràng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng nhanh như váng sữa, sữa chua. Dù là sản xuất trong nước hay từ nước ngoài, quy trình luôn phải đảm bảo được tiệt  trùng và hút chân không ở công đoạn cuối để chắc chắn rằng các vi sinh vật có hại sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

 

Vậy lỗi hỏng, mốc là do đâu?

 

Trên thị trường hiện có 3 loại sản phẩm: sản xuất trong nước, sản phẩm nhập khẩu chính ngạch và sản phẩm xách tay, trong đó, sản phẩm “xách tay” thường được đánh giá cao về nguồn gốc nhưng thực chất lại khó kiểm soát chất lượng nhất do không xác định được đường vận chuyển, bảo quản có đúng quy định không và đặc biệt khi sản phẩm có vấn đề, rất khó để đổi, trả như các sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu chính ngạch.

 

Còn đối với các sản phẩm sữa chua, váng sữa, sữa bột… sản xuất trong nước hay nhập khẩu chính ngạch, nếu thực sự lô hàng có vấn đề do khâu sản xuất, phân phối… của công ty thì việc thu hồi, đền bù sẽ không chỉ diễn ra trên 1 vài vỉ, hộp… sản phẩm mà sẽ là toàn bộ lô hàng. Minh chứng cho điều này chính là việc thu hồi hàng loạt các lô sữa nghi nhiễm khuẩn do 1 đường ống vận chuyển 1 thành phần nguyên liệu bị trục trặc trong thời gian vừa qua tại nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Vậy với những trường hợp hỏng, mốc đơn lẻ, nguyên nhân chỉ có thể do sản phẩm bị đánh rơi, đánh đổ, va đập, đè nén… trong quá trình lưu thông đã gây ra tình trạng hở kín (mắt thường không thể nhìn thấy). Khi đó, không khí sẽ vào hũ, túi... và ôxy theo đó cũng vào, tạo điều kiện cho vi sinh có hại sinh sống, từ đó sinh ra biến đổi màu sắc, vón cục, thậm chí xuất hiện nấm mốc… nếu thời gian lưu thông của sản phẩm kéo dài… hoặc do bảo quản không đúng nhiệt độ khuyến cáo trên nhãn hàng (thông thường là để sản phẩm ở nơi nhiệt độ cao hơn nhiệt độ khuyến cáo trong 1 thời gian dài).

 

Do đó, khi gặp sản phẩm có vấn đề, điều đầu tiên khách hàng cần bình tĩnh đánh giá lại sản phẩm của mình thông qua các thông tin trên nhãn hàng (tiêu chuẩn sản phẩm, ngày giờ sản xuất, số lô…) cũng như các thông tin tại nơi mình mua (sản phẩm có được bảo quản đúng nhiệt độ; khu trưng bày có an toàn…). Riêng các sản phẩm nhập khẩu luôn có tem phụ bằng tiếng Việt in trên nhãn với thông tin đường dây nóng, khi sản phẩm có sự cố khách hàng cần nhanh chóng liên hệ với công ty nhập khẩu và phân phối để xác minh thông tin và đảm bảo quyền lợi của mình.

 

Ngoài ra, bên cạnh việc thông tin tới nhà sản xuất, cơ quan chức năng để xem lỗi này là đơn lẻ hay hệ thống, cách tốt nhất là lựa chọn sản phẩm có uy tín (được các cơ quan chức năng trong và ngoài nước xác nhận), nơi mua tin cậy (kiểm soát chặt đầu vào, khu bày hàng đảm bảo vệ sinh, an toàn về nhiệt độ…).

 

Nhân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm