Ngày Gia đình Việt Nam 28-6:
Bữa sáng - Nhiều hơn cả yêu thương…
(Dân trí) - Chị Thu Hường chưa bao giờ “quên” những bữa sáng chan chứa yêu thương của mẹ ngày xưa và tâm huyết chị dành cho chồng con bây giờ. Bởi chị tin, những bữa sáng giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ như thế đã giúp gia đình chị gần gũi nhau hơn.
Khi thơ ấu, mỗi sáng ngủ dậy, tôi đều thấy bếp sáng đèn và những mùi vị đánh thức cả 7 giác quan cứ quấn quýt, làm ứa nước miếng, bụng réo cồn cào đến mức tôi phải bật dậy, chạy vào bếp hỏi mẹ: “Mẹ nấu món gì mà thơm thế?”. Để rồi sau khi đánh răng, rửa mặt, chải tóc thật nhanh , cả nhà quây quần quanh chiếc mâm đồng, thưởng thức tô bánh đa cua cùng với rau sống, bát phở gà ta dai ngọt, đĩa xôi trắng điểm những lát lạp xưởng đỏ rực thơm lừng cùng miếng thịt kho tàu nâu đậm óng ánh, bát xôi đỗ đen với vừng lạc giã rối vừa bùi vừa thơm, đĩa xôi gấc đỏ tươi ngậy thơm mỡ gà, bùi vị đỗ xanh… Mẹ hẳn phải yêu bố con tôi lắm mới dậy sớm đến vậy để chuẩn bị những món ngon cầu kỳ mà bố con tôi vẫn không bị muộn học, muộn làm.
Dù bố đi công tác, mẹ làm ca, 2 chị em tôi vẫn yên tâm ngon giấc tới khi chuông báo thức rung lên, mở lồng bàn ngắm những món ngon bày sẵn trong chiếc mâm đồng vàng óng, nhón tay nếm hay chén liền tù tì luôn rồi mới đánh răng. Những món ăn khi đó thường chủ yếu là xôi ăn cùng lạp xưởng, lúc thịt kho, trứng ốp, khi lại là những bông ruốc đậm đà… nhưng cùng mảnh giấy nhắc con ăn sáng trước khi đi học của mẹ, chị em tôi hớn hở, háo hức suốt cả buổi học ở lớp.
Rồi khu phố tôi ở ngày càng có nhiều quán ăn sáng, niềm vui cuối tuần của cả gia đình tôi là lên đầu phố cùng thưởng thức một món ngon nào đó. Mẹ bảo ăn là để thưởng thức thôi bởi chắc chắn dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm không thể bằng mình. Nhưng cũng từ những dịp như thế, nhiều món ngon như bánh mỳ pa-tê, thịt rán, phở bò… dần trở thành món ăn sáng quen thuộc trong gia đình tôi.
Những ký ức ngọt ngào ấy đã trở thành hành trang quý giá khi tôi lập gia đình riêng sau này, nhất là khi trải nghiệm cảm giác ăn quán buổi sáng sau bao nhiêu năm ăn sáng ở nhà với mẹ. Cảm giác ban đầu là thảnh thơi vì không phải chuẩn bị gì, hai vợ chồng chỉ cần nắm tay nhau ra phố, hỏi nhau xem ăn gì, tha hồ đổi vị…. Nhưng lại phát sinh ra vô số vấn đề: lắm hôm dậy muộn, vợ chồng cuống cuồng, mỗi người mỗi ngả, người mua đồ ăn sáng mang đến cơ quan, kẻ lại nhịn luôn đến trưa; còn nếu ăn theo suất thông thường thì đến giữa giờ làm buổi sáng là bụng đã réo, còn nếu ăn thêm thì thật sự tốn kém; đặc biệt hôm nào ăn phải nhiều mỳ chính thì đầu tôi sẽ quay quay mất cả buổi sáng… Vậy là ý nghĩ sức khoẻ và kinh tế đã kéo tôi trở lại với căn bếp nhỏ. Từ đây, tôi học được thêm bao món mới từ chồng. Nào là bánh mỳ bơ mứt, bánh kếp với sữa, bánh mỳ - xúc xích – xalát dưa chuột… kèm cốc sữa tươi mát lạnh, béo ngậy.
Cho đến ngày nhóc nhỏ nhà tôi cũng có thể ngồi ăn sáng như bố mẹ, tôi mới phát hiện ra rằng những món ngon của mẹ, những món mới của chồng rất gần với lời khuyên “Hãy ăn sáng như một hoàng đế”. Tôi chỉ việc bổ sung thêm hoa quả, rau xanh là có bữa sáng hoàn hảo.
Nhiều người hỏi tôi, sao có thể chuẩn bị được một bữa sáng có đủ 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản (tinh bột, protein, vitamin, chất béo) như vậy? Chẳng lẽ tôi phải dậy từ 4-5h sáng. Thực tế, nếu là món cầu kỳ, nguyên liệu chính… tôi sẽ chuẩn bị từ tối hôm trước hay ngay trong ngày nghỉ (các loại bánh bao, đế pizza…). Còn lại, chỉ mất 15-20 phút sáng là có thể chuẩn bị một bữa ăn sáng hoàn chỉnh với: phở bò có giá đỗ, trứng trần - sữa chua - miếng táo; xôi (mua) - trứng rán pate/trứng rán thị bò/thịt kho/ruốc - sữa chua/sữa tươi - miếng dứa; bánh mỳ - bơ mứt/bơ pate/xúc xích – salát dưa giá - sữa tươi/sữa chua; bánh kếp cuốn giá đỗ xào thịt - sữa tươi - miếng xoài; cơm rang thập cẩm (trứng, ngô, đậu hà lan/dưa bò) - sữa chua – thanh long; bánh bao nhân trứng thịt,rau bắp cải (tự làm) - sữa đậu nành - vải….
Và vấn đề là việc chuẩn bị bữa sáng từ tối hôm trước không bị ảnh hưởng nhiều bởi bữa tối của gia đình tôi rất đơn giản, thường là các món cháo có rau, súp ăn với bánh mỳ, các món bún mỳ… theo đúng phương châm “bữa tối hãy ăn như một kẻ ăn mày”. Vậy là chẳng phải giục giã mà cả nhà còn hào hứng với uống sữa trước giờ đi ngủ cũng như luôn cồn cào, háo hức với bữa đầu tiên của mỗi sớm…
Trên tất cả, tôi luôn đủ sức khoẻ và niềm hứng thú để chuẩn bị 1 bữa sáng “hoàng đế” bởi tôi biết rằng con trai mình sẽ không bao giờ phải tới trường với cái bụng rỗng vì không kịp ăn sáng hay nhịn tiền ăn sáng để mua những thứ khác và hiểu rằng bữa sáng của mẹ và những thói quen dinh dưỡng khoa học tôi học hỏi được từ sách báo và các chuyên gia dinh dưỡng đã góp phần quan trọng giúp mình và chồng con khoẻ mạnh, chẳng ốm vặt bao giờ.
Thu Hường