BS.CKII Phạm Trung Hiếu: từ khát vọng đổi mới đến thành tựu y học "cá thể hóa"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hành trình của BS.CKII Phạm Trung Hiếu là câu chuyện đầy cảm hứng về sự thay đổi định kiến và nỗ lực không ngừng để chinh phục những giới hạn của y học hiện đại.

Những ngày đầu khi còn là bác sĩ nội trú, bác sĩ Phạm Trung Hiếu cho biết từng đón nhận chuyên ngành chấn thương chỉnh hình với tâm trạng không mấy hào hứng. Những câu nói đùa của các thầy - rằng đây là công việc suốt ngày cưa, khoan, đục, đẽo từng khiến anh tự hỏi liệu mình có đang chọn đúng con đường.

Với anh lúc đó, hình ảnh các ca phẫu thuật lặp đi lặp lại theo cách truyền thống, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cá nhân, chưa thực sự tạo nên sức hấp dẫn cho một người trẻ đầy đam mê khám phá như anh.

BS.CKII Phạm Trung Hiếu: từ khát vọng đổi mới đến thành tựu y học cá thể hóa - 1

BS.CKII Phạm Trung Hiếu hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec.

Cuộc đời bác sĩ Hiếu bước sang chương mới khi anh được hướng dẫn đề tài tốt nghiệp bởi GS.TS.BS Trần Trung Dũng - một người thầy tài năng và đầy nhiệt huyết. Chính bác sĩ Dũng đã truyền cho anh niềm cảm hứng và định hướng cái nhìn mới về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình không chỉ là "công việc thủ công" mà là sự kết hợp tinh tế giữa tay nghề thuần thục và công nghệ tiên tiến.

Tham gia các hội nghị khoa học quốc tế cùng bác sĩ Dũng, bác sĩ Hiếu nhận ra rằng công nghệ 3D và phẫu thuật robot sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của y học chính xác, hướng đến sự cá thể hóa tối ưu trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.

Mặc dù vậy, hành trình đưa công nghệ 3D vào chấn thương chỉnh hình không dễ dàng. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam, công nghệ 3D chỉ mới được áp dụng một cách hạn chế trong ngành răng hàm mặt. Tham vọng đưa công nghệ này vào chấn thương chỉnh hình đối với nhiều bác sĩ dường như là một điều không thể do rào cản về kỹ thuật phức tạp, chi phí đầu tư cao.

Tuy nhiên, đối với bác sĩ Hiếu, đây không chỉ là một mục tiêu nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh. Một cơ duyên bất ngờ đã đưa anh và GS.TS.BS Trần Trung Dũng gặp gỡ nhóm kỹ sư trẻ từ Đại học Bách Khoa, những người cũng đang ấp ủ khát vọng ứng dụng công nghệ cao vào y học.

Hành trình nghiên cứu bắt đầu từ những thử nghiệm đơn giản: đội ngũ của GS.TS.BS Trần Trung Dũng và BS.CKII Phạm Trung Hiếu đã sử dụng xương khớp của động vật để tiến hành chụp cắt lớp vi tính và thiết kế các mẫu định vị cá thể hóa làm phẫu thuật thực nghiệm. Ban đầu, mọi thứ còn khá mơ hồ - từ kiến thức chuyên môn, công nghệ chế tạo cho đến sự phối hợp giữa các chuyên ngành để thực hiện hoàn chỉnh một ca mổ. Tuy nhiên, nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm lâm sàng của nhóm bác sĩ và sự am hiểu về thiết kế, chế tạo, cơ sinh học của nhóm kỹ sư, những kết quả đầu tiên đã dần mang lại những tín hiệu đầy hứa hẹn.

Song song với việc thử nghiệm trên mô hình động vật, đội ngũ nghiên cứu đã tiến thêm một bước quan trọng, sử dụng xương nhân tạo titan in 3D nhập khẩu để hoàn thiện công nghệ điều trị khuyết hổng xương. Tuy nhiên, ngay trong quá trình này, các bác sĩ nhận ra rằng những mẫu xương nhập khẩu không phù hợp tối ưu với cơ thể người Việt. Phát hiện này đã thúc đẩy nhóm nghiên cứu đặt ra một mục tiêu lớn hơn: thiết kế và sản xuất xương nhân tạo cá thể hóa dành riêng cho người Việt.

Từ những nhận định đó, đội ngũ nghiên cứu đã tạo nên bước đột phá quan trọng, phát triển công nghệ 3D toàn diện phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho bệnh nhân trong nước. Thành tựu này không chỉ dừng lại ở việc hiện thực hóa ý tưởng cá thể hóa xương nhân tạo mà còn mở rộng sang ba lĩnh vực cốt lõi: phần mềm lập kế hoạch 3D trước mổ, thiết bị định vị cá thể hóa, và thiết kế, sản xuất thiết bị cấy ghép cá thể hóa in 3D cho từng bệnh nhân.

Phần mềm lập kế hoạch 3D giúp mô phỏng chính xác 100% tổn thương, cho phép bác sĩ xây dựng kế hoạch mổ chi tiết, dự đoán rủi ro tiềm ẩn. Thiết bị định vị cá thể hóa đảm bảo độ chính xác trong từng thao tác phẫu thuật, giúp mổ đúng trục chi, tối ưu hóa khả năng phục hồi biên độ vận động của bệnh nhân. Việc phát triển các mảnh ghép cá thể hóa mang lại giải pháp điều trị hiệu quả, ngay cả tại những vị trí phức tạp như khớp háng hay khung chậu.

Những bước tiến đột phá này đã mở ra những giải pháp y học tiên phong, mang lại hy vọng cho những ca bệnh từng được coi là khó chữa trị. Thành công không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình mà còn dần mở rộng phạm vi ứng dụng sang các chuyên khoa khác như tim mạch, tiêu hóa, mở ra kỷ nguyên mới cho y học chính xác tại Việt Nam.

Hiện nay, bác sĩ Phạm Trung Hiếu không chỉ giữ vị trí Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, mà còn là Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ trong Y học, Đại học VinUni. Anh là một trong những người tiên phong đưa công nghệ 3D trở thành một phần không thể thiếu trong y học Việt Nam.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp bác sĩ Hiếu trở thành chuyên gia hàng đầu trong ứng dụng công nghệ 3D trong chấn thương chỉnh hình. Anh không chỉ góp phần định hình tương lai của phẫu thuật chính xác, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ bác sĩ trẻ rằng sự sáng tạo không có giới hạn - ngay cả trong một chuyên ngành tưởng chừng như khép kín và khuôn mẫu.