Bộ Y tế thiết lập đường dây nóng giải đáp về chiến dịch tiêm sởi – rubella

(Dân trí) - Nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân có con trong đối tượng của chiến dịch tiêm sởi - rubella cho 23 triệu trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 1 - 14, Bộ Y tế đã thiết lập đường dây nóng, giải đáp thông tin về chiến dịch tiêm chủng này.

Người dân có thể trao đổi các thông tin chi tiết bằng cách gọi tới tổng đài đường dây nóng của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) qua số điện thoại 096.385.1919. Nhân viên tổng đài sẽ giải đáp các nội dung liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi-Rubella, cung cấp các thông tin phục vụ người dân có trẻ trong độ tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng này.
 
Tiêm vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất phòng mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: H.Hải
Tiêm vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất phòng mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: H.Hải

Bắt đầu từ tháng 9, chến dịch tiêm vắcxin sởi-Rubella của Bộ Y tế đã bắt đầu được triển khai. Đây là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất với khoảng hơn 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi sẽ được tiêm chủng trên toàn quốc.

Kết quả triển khai chiến dịch mới nhất tính đến ngày 6/10, theo báo cáo nhanh của các địa phương: số địa phương đã triển khai là 26/63 tỉnh, 37 tỉnh còn lại sẽ được triển khai trong thời gian từ nay đến cuối tháng 10.

Số đối tượng trẻ được tiêm là hơn 757.500 trẻ đạt tỷ lệ 44% tổng số đối tượng đợt 1 của các địa bàn đang triển khai. Số hoãn tiêm là 30.094 trẻ chủ yếu do mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, sốt, các trường hợp này sẽ được rà soát và tiêm vét trong thời gian cuối đợt tiêm và các đợt tiếp theo.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, dù là chiến dịch lớn, với số lượng trẻ tiêm lớn, nhưng việc cung ứng vắc xin là hoàn toàn đảm bảo. Vắc xin sử dụng trong đợt này là vắc-xin sống giảm độc lực, dạng đông khô. Đã có hơn 600 triệu liều đã dùng tại 39 quốc gia và được báo cáo an toàn, chỉ ghi nhận những trường hợp phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, phản ứng dị ứng quá mẫn với vắc-xin có tỉ lệ rất thấp,  (khoảng 1/triệu).

Trước khi triển khai tiêm,  Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra đi kiểm tra giám sát tại các địa phương triển khai qui mô nhỏ và có nhận xét: công tác chuẩn bị chiến dịch rất chu đáo, có sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Chính quyền các cấp; phối hợp tốt với Ngành giáo dục trong công tác điều tra lập danh sách đối tượng và tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại trường học;  thông tin về chiến dịch tiêm vác xin Sởi – Rubella đã được người dân biết và các bậc cha mẹ hưởng ứng mang con tham gia tiêm chủng chiến dịch đầy đủ; công tác bảo quản vác xin và thực hành tiêm chủng được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật; công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được chuẩn bị chu đáo, không có trường hợp phản ứng sau tiêm nặng nào được ghi nhận; các bậc cha mẹ chưa điền đầy đủ thông tin vào mặt sau cảu giấy mời theo yêu cầu để giúp cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Để chiến dịch tiêm chủng đạt kết quả tốt nhất, Bộ Y tế chỉ đạo ác địa phương tăng cường công tác truyền thông ở cơ sở, cung cấp thông tin kịp thời để huy động người dân đưa con em mình đi tiêm chủng;  đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong ngành dọc của mình tới các cấp học để công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt; đối với Bộ Quốc phòng  tăng cường phối hợp, tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế biênphòng và tiêm chủng tại các đồn biên phòng; Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin Trung ương có văn bản chỉ đạo tới đoàn thanh niên, hội phụ nữ tham gia và chương trình tiêm chủng; Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn tiêm chủng, thiết lập đường dây nóng để cung cấp thông tin, hỏi đáp về những tình huống xảy ra trong công tác tiêm chủng Sởi – Rubella; các địa phương cầntổ chức tiêm chủng tới toàn bộ các cháu từ 1-14 tuổi có mặt trên địa bàn tại thời điểm tiêm kể cả người nước ngoài; công tác an toàn tiêm chủng cần siết chặt hơn nữa, tăng cường khám sàng lọc trước tiêm chủng…

Chiến dịch trên nhằm thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 17/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai tiêm phòng vắcxin phòng bệnh sởi và Rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015.

Chiến dịch nhằm giảm tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em góp phần tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng Rubella bẩm sinh.

Hồng Hải