Bộ Y tế phát poster phòng chống dịch MERS - CoV
(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các poster, tờ gấp về phòng chống dịch MERS - CoV do Bộ Y tế xây dựng, phát hành sẽ được để tại các điểm công cộng để người dân dễ tiếp cận, đọc và thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ lây bệnh.
Theo đó, nội dung poster được trình bày dễ hiểu với những thông tin chính về căn bệnh MERS - CoV nguy hiểm. Trong đó, có cả những hướng dẫn cụ thể phòng bệnh như thường xuyên rửa tay xà phòng, hạn chế tiếp xúc người bệnh viêm đường hô hấp...
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 09/6/2014, Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng đã thành lập fanpage phòng, chống Mers-Cov.
Đến nay đã có gần 3 nghìn gia nhập đăng kí đọc thông tin về phòng chống dịch MERS - CoV trên fanpage. Việc Bộ Y tế thành lập trang fanpage phòng chống Mers-Cov đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào bản tin và đánh giá là một nỗ lực của Bộ Y tế Việt Nam trong việc cung cấp những thông tin cập nhất, hướng dẫn, khuyến cáo đến người dân, cộng đồng về công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.
Về diễn biến dịch MERS - CoV tại Hàn Quốc, kể từ khi ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV đầu tiên ngày 20/5/2015 đến ngày 15/6/2015 đã ghi nhận 150 trường hợp mắc (bao gồm cả một trường hợp mắc ghi nhận tại Trung Quốc), trong đó 16 trường hợp tử vong.
Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận 1.313 trường hợp mắc, 460 trường hợp tử vong, tại 26 quốc gia chủ yếu thuộc vùng Trung Đông, trong đó châu Á có: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất vẫn ghi nhận các trường hợp mắc mới.
Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh MERS-CoV.
Vì vậy, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai phòng chống dịch bệnh MERS - CoV đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng tăng cường tuyên truyền đối với công dân Hàn Quốc và các vùng Trung Đông đang lao động, làm việc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS - CoV thông qua các hoạt động tổ chức công đoàn cơ sở, các cuộc họp chuyên đề, chương trình phát thanh, tờ rơi, áp phích…
Yêu cầu những người trở về từ vùng dịch bệnh phải chủ động khai báo y tế tại cửa khẩu và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu xuất hiện các dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp phải thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc số điện thoại đường dây nóng.
Chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền phòng chống MERS-CoV, thống kê lập danh sách các hộ gia đình có người thân sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn để có kế hoạch tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.
Tú Anh