1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trách nhiệm của Bộ Y tế trong thảm họa chạy thận 9 người tử vong

(Dân trí) - Tại phiên toà chiều ngày 22/5, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: việc chậm trễ ban hành quy trình, qua mỗi việc xảy ra, các cơ quan liên quan đều phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, Bộ cũng nhận thấy hệ thống thể chế chạy thận nhân tạo ở Việt Nam chưa được cập nhật.

Trách nhiệm của Bộ Y tế trong thảm họa chạy thận 9 người tử vong - 1

Ông Nguyễn Huy Quang (ảnh trên), ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã được HĐXX mời đến để làm rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế cũng như phần trách nhiệm của Bộ này sau sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Đoàn công tác này đến Tòa tham dự phiên xét xử theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.

An toàn nước theo chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ

Thông tin về quy trình chạy thận nhân tạo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết: Để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu, Bộ Y tế đang áp dụng tiêu chuẩn của Bộ khoa học công nghệ.

Các nhà sản xuất phải căn cứ vào 2 tiêu chuẩn của Việt Nam do Bộ KHCN công bố, là tiêu chuẩn tự nguyện và tiêu chuẩn cơ sở.

Quy trình quản lý nước RO theo quy định 36 của Bộ, hiện nay áp dụng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và sau đó Nhà sản xuất có trách nhiệm công bố thực hiện.

Thẩm quyền xã hội hóa chạy thận do Bộ và Sở cho phép

Ông Quang cho biết: Bộ Y tế chủ trương xã hội hóa trong hệ thống y tế theo Nghị định 59 của Chính phủ và hiện nay là Nghị định 85, Nghị quyết 93 và một số văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng phải đáp ứng các quy định Thông tư 15 của Bộ Y tế ban hành năm 2017 về việc liên kết sử dụng máy chạy thận.

Chủ trương của Chính phủ là cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập. Phải xem việc này có đáp ứng quy định tại TT 15 hay không mới có thể xem xét tiếp được.

Theo quy trình triển khai sau khi Bộ ban hành đều có gửi các văn bản đến Giám đốc BV để phổ biến nội dung cho cán bộ y tế. Hiện nay, bên cạnh quy trình đó còn quy trình quản lý nước lọc RO. Toàn bộ các vấn đề liên quan đến lọc nước RO áp dụng theo tiêu chuẩn. Căn cứ vào 2 tiêu chuẩn mang tính chất được thừa nhận áp dụng.

Các nhà sản xuất phải công bố tiêu chuẩn do Việt Nam quy định mới được hoạt động.

Về chủ trương xã hội hóa Việt Nam áp dụng toàn bộ theo nghị định 85, nghị quyết 93. Việc mượn máy hay thuê máy đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn có cơ sở pháp luật, được Bộ Y tế cho phép.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết: Thẩm quyền việc chạy thận liên doanh liên kết do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định, với BV tỉnh thì Sở Y tế cho phép hoạt động chạy thận nhân tạo.

Khi được hỏi về việc trước khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế có biết đến việc xã hội hóa trong chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hay không, ông Quang trả lời: “Cho đến thời điểm nay, tôi chưa nhận được thông tin nào gửi về Bộ Y tế về việc này. Bộ Y tế không nhận được thông tin việc liên doanh liên kết này, nhưng Bộ có đợt đi kiểm tra và có công văn báo cáo các bệnh viện đã có sự liên danh liên kết. Sau khi có báo cáo, Bộ sẽ chọn một số đơn vị để đi kiểm tra thực tế”.

"Trong việc quản lý, điều hành ban hành quy chế chạy thận nhân tạo, hệ thống lọc nước và các thiết bị y tế các cơ sở tự mua sắm phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Công tác thanh kiểm tra chuyên môn chuyên ngành thuộc về Sở Y tế. Bộ Y tế chỉ nắm công tác thanh kiểm tra các bộ cục ban ngành" - ông Quang nói.

Hệ thống thể chế chạy thận nhân tạo chưa được cập nhật

Trước câu hỏi của HĐXX: “Thông qua sự cố chạy thận 9 người tử vong, Bộ Y tế có thấy trách nhiệm của mình không? Ông Quang đáp: "Như chúng tôi nhiều lần khẳng định thông qua các cuộc họp và với các cơ quan truyền thông báo chí, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình mà còn ảnh hưởng đến Sở Y tế tỉnh Hoà Bình và Bộ Y tế".

Ông Quang cho biết, Bộ đã rà soát lại các quy trình chuyên môn và có ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế các quy trình liên quan đến chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Cụ thể là tháng 4/018 Bộ Y tế có ban hành 52 quy trình trong đó có 7 quy trình liên quan đến hệ thống lọc nước RO bởi sau sự cố, Bộ thấy quy trình sửa chữa bảo dưỡng với mỗi nhà sản xuất là khác nhau.

Theo ông Quang, việc chậm trễ ban hành quy trình, qua mỗi việc xảy ra, các cơ quan liên quan đều phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, Bộ cũng nhận thấy hệ thống thể chế chạy thận nhân tạo ở Việt Nam chưa được cập nhật.

"Với sự cố 9 người chạy thận tử vong, trách nhiệm điều hành quản lý nhà nước với ngành y tế là của Bộ Y tế - Bộ trưởng. Để có được 1 thể chế pháp lý quản lý chất lượng cho người sử dụng, chúng ta phải áp dụng đủ tiêu chí của nhà sản xuất dựa trên tiêu chuẩn theo quy định pháp luật", ông Quang cho biết.

Ngoài ra, ông Quang cũng cho hay, với hơn 3.000 bệnh, không thể có quy trình riêng mà chỉ có quy trình tổng quát trong khám chữa, điều trị.

Thông tin thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng mà cả thế giới chưa từng gặp.

“Sự cố trên đặc biệt nghiêm trọng, ở Mỹ cũng có một trường hợp tương tự nhưng chưa nghiêm trọng như thế này. Hoá chất sử dụng để tẩy rửa hệ thống lọc nước RO là hoá chất không được sử dụng. Qua đây thấy rõ việc phải xem lại quy trình an toàn mặc dù các nhà sản xuất đã có hướng dẫn sử dụng, bảo trì bảo hành”, ông Khoa nói.

BVĐK Hòa Bình tự lắp đặt 5 máy chạy thận chưa báo cáo Sở Y tế?

Theo công văn trả lời của Sở Y tế Hòa Bình đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, BVĐK Hòa Bình tự lắp đặt 5 máy chạy thận chưa báo cáo Sở Y tế. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc đặt 5 máy của BVĐK Hòa Bình có hợp pháp hay không? Bởi nếu các bệnh nhân tử vong trong khi điều trị ở 5 máy này thì những người ra quyết định cho đặt 5 máy này sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng nghĩa với việc miễn trách nhiệm của các bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn.

Trần Phương tổng hợp