Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị bệnh Zika

(Dân trí) - Trước nguy cơ dịch vi rút Zika xâm nhập, Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường giám sát người nhập cảnh, đồng thời ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, sắn sàng ứng phó nếu Zika xâm nhập. Các kịch bản ứng phó cũng được đưa ra khi xác định ca bệnh đầu tiên.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhập. Tuy bệnh do vi rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong nhưng nguy hiểm ở chỗ, vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đây là điều khiến các nhà chuyên môn lo lắng nhất, trong khi Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị bệnh Zika - 1

Khi nhiễm Zika qua muỗi đốt, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 3 đến 12 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: Sốt nhẹ 37.5oC đến 38oC; Ban rát sẩn trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc mắt. Đặc biệt bệnh có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, đến 60 - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng lâm sàng. Vì thế, dựa vào yếu tố dịch tễ và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Theo đó, nếu người có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do vi rút Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh), đồng thời có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi thì nghĩ đến nguy cơ mắc Zika. Bệnh được khẳng định bằng xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, bằng phương pháp PCR. Riêng với thai phụ có nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần chỉ định theo dõi siêu âm thai để có thể phát hiện biến chứng não bé ở thai nhi.

Do không có thuốc đặc trị, nên điều trị vẫn dừng lại ở chữa triệu chứng, nghỉ ngơi. Đặc biệt với phụ nữ mang thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi. Theo dõi siêu âm thai 2 tuần một lần; chọc ối, lấy máu cuống rốn làm xét nghiệm... một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

Trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi rút Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).

Bộ Y tế cũng lưu ý, do chưa có vắc xin phòng bệnh nên cách phòng hữu hiệu nhất là ngừa muỗi đốt, bằng cách loại bỏ nguồn sinh sôi, phát triển của muỗi bằng cách hãy lật úp tất cả các dụng cụ có khả năng chứa nước.

Bộ Y tế cũng ban hành poster hướng dẫn phát hiện sớm bệnh Zika và đường dây nóng để người dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thắc mắc có thể gọi để được giải đáp.

Bộ Y tế cũng đưa ra sơ đồ hướng dẫn để giám sát ca bệnh tại cửa khẩu và đề nghị người dân, các cơ quan liên quan không được chủ quan vì Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo nguy cơ toàn cầu về vi rút Zika. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc gì cần kíp nên hoãn đến các nước đang có dịch Zika, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mang thai.

Về tình hình dịch Zika trên thế giới, theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đến nay đã có 35 quốc gia và cùng lãnh thổ đã ghi nhận vi rút Zika. Đáng lo ngại đã có ca bệnh đầu tiên lây qua đường tình dục; 2 ca bệnh được xác định nhiễm Zika qua đường truyền máu.


Danh sách 35 quốc gia có ghi nhận bệnh nhân mắc Zika.

Danh sách 35 quốc gia có ghi nhận bệnh nhân mắc Zika.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm