Bộ trưởng Y tế: “Thời gian tới sẽ phải đương đầu với nhiều dịch bệnh khác”

(Dân trí) - Giải trình trước Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới sẽ phải đương đầu với nhiều dịch bệnh khác, rất khó khăn nên cần phải vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, nâng cao thể lực là chính.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Quochoi.vn)

Chiều 1/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo bà Tiến, dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua tăng 40% so với năm ngoái, nhiều nhất ở phía Nam và nặng nề nhất là thành phố Hà Nội.

Chưa bao giờ quá trình dập dịch được thực hiện quyết liệt như vậy nhưng dịch vẫn kéo dài. Như ở Hà Nội, mặc dù đã cử các tổ giám sát đến tận gia đình tổ chức phun thuốc thường xuyên nhưng hiệu quả chậm vì một bộ phận người dân chưa hợp tác.

“Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều. Vệ sinh môi trường khu đông người, nơi xây dựng đọng nước dẫn tới sinh sôi muỗi vằn, phòng chống muỗi khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là chu kỳ. Khi một thời gian lâu không mắc bệnh nên miễn dịch giảm, số người chưa mắc nhiều nên vừa qua dịch lớn. Các nước trong khu vực dịch cũng kéo dài và người chết thậm chí nhiều hơn Việt Nam”- bà Tiến lý giải.

Người đứng đầu ngành y tế cho biết, thời gian tới sẽ phải đương đầu với nhiều dịch khác, rất khó khăn. Do đó cần phải vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, nâng cao thể lực là chính.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế cao, đạt khoảng 82% vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên vẫn sẽ điều chỉnh giá dịch vụ để làm người dân bớt chi phí tiền túi, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trước vấn đề quỹ bảo hiểm xã hội kết dư 47.000 tỷ đồng vào năm 2016, Bô trưởng đặt câu hỏi: “Kết dư nhiều như vậy tốt hay không? Lẽ ra người dân đóng bảo hiểm y tế phải được hưởng hàng năm, nhưng kết dư nhiều nghĩa là người dân chưa được hưởng dịch vụ tốt, dịch vụ kỹ thuật cao”.

Mặt khác, nữ Bộ trưởng lại cho rằngviệc kết dư cũng có điểm tốt. Bởi năm 2017 khi điều chỉnh giá dịch vụ về gần giá trị thực, nếu vượt quá 10.000 tỷ thì có nguồn kết dư bù vào. Nguồn kết dư này dự toán có thể dùng đến hết 3 năm nữa nếu giá dịch vụ y tế duy trì như mức hiện tại.

Bà Tiến khẳng định: “Có kết dư thì không vỡ quỹ ngay, nhưng nguy cơ khi hết quỹ kết dư này thì năm nào phải dùng hết năm ấy. Như vậy trong tương lai xa có thể phải điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm y tế vì hiện nay thấp”

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ này đang điều chỉnh Nghị định 105 gồm nhiều biện pháp kiểm soát lạm dụng, sử dụng dịch vụ y tế quá mức và không hợp lý. Nghị định mới sẽ khoán trần chi phí, thanh kiểm tra định kỳ và xử nghiêm vi phạm. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở khám chữa bệnh để có thể giám định được, khống chế tối đa chuyện lạm dụng.

“Vừa rồi Bộ phối hợp với Tổng Hội y học Việt Nam kiểm tra giám sát độc lập thì chi quá mức trên 5%. Bộ quyết tâm hợp tác để đảm bảo chi phí vì quyền lợi cho người dân”- bà Tiến khẳng định.

Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư về gói Dịch vụ y tế cơ bản, hướng dẫn cấu trúc xây dựng quy hoạch trạm y tế xã. Theo đó, những nơi gần bệnh viện chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ xây dựng trạm xá đầy đủ ở vùng sâu, vùng xa. Đi liền với đó sẽ đổi mới cơ chế tài chính, quản lý nhân lực và phương thức hoạt động để chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh nâng cao sức khoẻ, quản lý những bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường.

Với đề án sắp tới Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình hành động, tăng cường y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng gắn với đổi mới toàn diện, đào tạo y khoa hội nhập quốc tế. H

“Đến giai đoạn này thì phải là y tế cơ sở; phải là chăm sóc sức khỏe ban đầu, phải là sống khoẻ, chất lượng tốt, dân số phát triển, gắn với y tế cơ sở”, Bộ trưởng Y tế cho hay.

Thế Kha