Bộ trưởng Y tế đã đăng ký hiến tạng từ 2013
(Dân trí) - Tối 26/10, tại chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân đăng kí hiến tạng cứu người bệnh. Bản thân Nữ Bộ trưởng cũng đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013.
Theo nữ Bộ trưởng, đến nay, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn so với nhu cầu thực của hàng nghìn bệnh nhân cần ghép tạng.
Tính đến thời điểm này Việt Nam đã có 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tụy, 1.401 ca ghép giác mạc.
Trong khi đó, nhu cầu thực tế của người cần ghép tạng lại rất cao. Hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị bệnh suy thận mạn tính cần được ghép. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; Hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…và rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm.
“Không có phép màu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, làm việc và cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Thời gian qua, nhờ có một số trường hợp người chết não được thân nhân đồng ý hiến tạng, nhiều bệnh nhân suy tạng mãn đã có cơ hội cứu sống. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người đã biến mất mát, nỗi đau của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải trở về với cát bụi, mà là hành trình hồi sinh sự sống. Những tấm lòng vàng, những người hiến tạng đó, dù còn sống hay đã mất đã được xã hội trân trọng, biểu dương tri ân.
Mọi tôn giáo đều ủng hộ sự cho đi không vụ lợi, xem sự hiến tặng một phần cơ thể để cứu người như là biểu hiện cao nhất của lòng nhân đạo, đức hy sinh vô ngã, lợi mình-lợi người.
Với quan niệm “người chết phải chết toàn thây”, linh mục Nguyễn Hồng Phúc khẳng định đó chỉ là quan niệm dân gian. Bởi sự sống là sẻ chia với mọi người và vì thế, việc hiến tạng để cứu người là nghĩa cử, bác ái, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi hiến tạng, thì giống như ngọn lửa, càng cho nhiều càng mạnh mẽ và sự sống của người hiến sẽ còn được kéo dài nơi cuộc sống của người thân, của đồng bào.
Về vấn đề này, hòa thượng Thích Gia Quang cũng nhấn mạnh việc Phật giáo luôn khuyến khích và ủng hộ việc hiến mô, tạng để cứu những người khác bởi đó là hành đồng từ bi, đáng được đề cao.
Tại lễ phát động phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, Bộ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương và trao thẻ Bảo hiểm y tế, kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho hơn 10 cá nhân tiêu biểu tình nguyện hiến tạng cứu người và mong rằng, những tấm lòng nhân ái của họ sẽ có sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người, đã kêu gọi các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy phát huy hơn nữa tình nhân ái, sự đồng cảm và sẻ chia trong cuộc sống để hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang sống mỏi mòn.
Bộ trưởng cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã tự nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để đem lại sự sống cho những bệnh nhân suy mô, tạng trong suốt những năm qua.
Nữ Bộ trưởng cũng cho biết, bản thân bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013 và vận động nhiều người thân trong gia đình, họ hàng tham gia đăng kí hiến tạng.
Tại chương trình này, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng tự nguyện đăng kí hiến tạng và kêu gọi mọi người cùng tham gia đăng kí hiến tạng.
Tú Anh