Phát hành thẻ đăng ký hiến mô tạng cứu người

(Dân trí) - Chiếc thẻ đăng ký hiến mô tạng đầu tiên của Việt Nam vừa chính thức được công bố tại bệnh viện Chợ Rẫy. Đơn vị điều phối hiến ghép mô tạng tại bệnh viện kỳ vọng đây sẽ là bước ngoặt cho hoạt động nhân đạo vì mục đích cứu người.

Khan hiếm nguồn tạng cho

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện nhu cầu nguồn tạng ghép của bệnh nhân tại Việt Nam là rất lớn, ước tính có khoảng 6.000 người suy thận giai đoạn cuối cần ghép thận; 1.500 người cần ghép gan; 6.000 người đang chờ ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ ghéo phổi, tim, tụy tạng”.

Đại diện bệnh viện Chợ Rẫy trao bảng tri ân đến gia đình có người hiến tạng
Đại diện bệnh viện Chợ Rẫy trao bảng tri ân đến gia đình có người hiến tạng

Tuy nhiên, trên thực tế số người được ghép các cơ quan của cơ thể còn rất hạn chế. Đến nay mới chỉ có 1.000 người được ghép thận; 46 người ghép gan; 11 người ghép tim; 1 người ghép tụy tạng; 1.400 người ghép giác mạc. Hầu hết những người được ghép, nguồn mô tạng đều từ người thân hiến tặng. Số người tình nguyện hiến mô tạng còn rất khiêm tốn.

Tính riêng tại bệnh viện Chợ Rẫy hiện có khoảng hơn 200 trường hợp có nhu cầu cần ghép mô tạng đã đăng ký nhưng đang phải “xếp hàng” chờ người hiến. GS.TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng bộ môn Tiết niệu học, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM; nguyên Trưởng khoa Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Với những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, việc chạy thận nhân tạo có thể giúp kéo dài thời gian chờ đợi để được ghép. Nhưng với những bệnh nhân bị bệnh u gan, xơ gan, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng nên nhiều trường hợp đã không thể chờ nguồn tạng cho”.

Cũng theo GS Ngọc Sinh, thiếu nguồn cho tạng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa hiến mô tạng nhân đạo và buôn bán tạng, buôn lậu tạng. “Thời gian qua có nhiều vụ việc bê bối liên quan đến việc buôn bán tạng, tôi cho rằng đã có sự tiếp tay của các bệnh viện mà cụ thể là các bác sĩ trong việc mua bán tạng. Tuy nhiên, sự “tiếp tay” ở đây có thể là do chủ quan nhưng cũng có thể do bác sĩ bị động. Nếu người cho tạng là thân nhân của người bệnh thì cần xét lý lịch 3 đời nhưng bác sĩ không thể đủ chuyên môn và những cơ sở về pháp lý nên đã bị bệnh nhân và những người bán tạng qua mặt”.

Mặt khác, những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề mô tạng đang phải chạy theo thực tiễn. Theo GS Ngọc Sinh, ở các quốc gia khác đã có quy định cụ thể về những hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với cả người bán lẫn người mua. Các y bác sĩ có liên quan đến hoạt động mua bán mô tạng, người vi phạm sẽ bị truy tố chịu án phạt tù. Tuy nhiên, tại Việt Nam luật pháp mới chỉ cấm hành vi buôn bán tạng mà chưa có hình thức xử lý cụ thể nên việc mua bán tạng đang lách luật và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Phát hành thẻ đăng ký hiến mô tạng, hướng đi mới

GS Ngọc Sinh phân tích thêm, quan niệm về “chết toàn thây” của phương Đông theo thuyết giáo Khổng Tử thực tế không có luận chứng khoa học và cơ sở về mặt tâm linh. Mặt khác ở một góc nhìn khách quan có thể thấy việc tiêu hủy hoặc chôn cất các bộ phận cơ thể, mô tạng của người quá cố cho về với cát bụi đang gây phung phí lớn đối với sự sống và chưa đúng với tinh thần nhân đạo, nhân văn. Đã đến lúc cần đưa vấn đề hiến ghép tạng vào giáo dục đạo đức từ môi trường học đường đến các sinh hoạt xã hội.

Tấm thẻ đầu tiên đăng ký hiến mô tạng cứu người tại Chợ Rẫy
Tấm thẻ đầu tiên đăng ký hiến mô tạng cứu người tại Chợ Rẫy

Để phát triển nền y học nước nhà và giúp những người kém may mắn không may mắc bệnh hiểm nghèo cần phải ghép các bộ phận cơ thể để tiếp tục duy trì sự sống, lần đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy ý tưởng về việc phát hành thẻ hiến ghép tạng đã được thực hiện. ThS.KS Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y xã hội, thành viên Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Phát hành thẻ là hành động cụ thể hóa những vận động, kêu gọi cộng đồng hướng về hiến mô tạng vì mục đích nhân đạo.”

Theo ThS Minh Hiển, ở các nước phát triển những người có tâm nguyện hiến tạng khi qua đời (người chết não, ngưng tuần hoàn) tâm nguyện hiến tạng được in trên giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ tùy thân khác. Khi cấp cứu điều trị nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện để lấy các bộ phận hiến.

Từ trước đến nay, ở nước ta hoạt động kêu gọi hiến mô tạng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động. Vì thế, thẻ đăng ký hiến mô tạng cứu người khi chết được bệnh viện Chợ Rẫy phát hành là sự cụ thể hóa cho những lời kêu gọi, đó là cơ sở pháp lý để các bác sĩ lưu lại tạng phủ khi người có tâm nguyện hiến tạng mãn phận. Đây là chuyện nhân đạo, hợp pháp để chấm dứt tình trạng mua bán mô tạng đã và đang diễn ra.

Được biết, mục đích khi phát hành thẻ đăng ký hiến mô tạng cứu người của Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người khi chết hướng đến đối tượng cho tạng là những người cho chết não và ngưng toàn hoàn. Đây được xem là mô hình thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra cả nước.

Cùng với hoạt động trên, ông Lê Minh Hiển cho biết, dự kiến thời gian tới bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thành lập quỹ kêu gọi cộng đồng hỗ trợ cho người hiến tạng. “Đây là nguồn quỹ phi chính phủ không vì mục đích lợi nhuận, tập trung vào việc hỗ trợ những người có tậm nguyện hiến tạng hoặc hỗ trợ việc mai táng, tri ân những người chết não, ngưng tuần hoàn đã hiến mô tạng cứu người hoặc hiến cơ thể cho khoa học.”

Vân Sơn