1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tuyệt đối cấm các hành vi ép buộc người bệnh

(Dân trí) - Sau vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối, cùng với thực trạng xe cứu thương khó vào bệnh viện đón khách, chiều 12/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện phải chịu trách nhiệm

Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định, hành vi ép buộc người nhà người bệnh phải sử dụng dịch vụ vận chuyển do bệnh viện đã ký kết với các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài đang triển khai tại bệnh viện là phải nghiêm cấm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền, trước người bệnh nếu để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải rà soát lại các dịch vụ thuê ngoài, như xe cứu thương... tại các bệnh viện. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải rà soát lại các dịch vụ thuê ngoài, như xe cứu thương... tại các bệnh viện. Ảnh: H.Hải

Được biết, sau khi xảy ra sự việc tại BV Nhi Trung ương, hàng loạt bệnh viện mới “giật mình” rà soát các vấn đề liên quan đến việc thuê bảo vệ bệnh viện, hệ thống xe cứu thương… Như tại BV Việt Đức, BV Bạch Mai, trong chiều 11/7 và sáng 12/7 đều đã tổ chức họp các phòng ban liên quan để tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến dịch vụ phải thuê bên ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, sáng 12/7 bệnh viện đã họp, thống nhất ý kiến ngoài việc tăng cường quản lý, giám sát, thì kênh phản hồi của người bệnh là vô cùng quan trọng.

Vì thế, với các xe cứu thương có hợp đồng với bệnh nhân khi làm nhiệm vụ chuyên chở bệnh nhân sẽ có phiếu để người bệnh đóng góp ý kiến hài lòng hay không hài lòng. Trong trường hợp tỷ lệ không hài lòng cao, đơn vị cung cấp dịch vụ cần phải xem xét chấn chỉnh nếu không bệnh viện sẽ dừng ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị xe cứu thương (có 4 đơn vị được Sở Y tế Hà Nội cấp phép chuyên chở bệnh nhân) mà bệnh viện hợp tác luôn có điều kiện ràng buộc để sẵn sàng giúp đỡ người bệnh khi có yêu cầu. Như BV Bạch Mai đã ký hợp đồng với 2 đơn vị xe cứu thương.

“Nhất là với những trường hợp bệnh nặng tử vong, có hoàn cảnh khó khăn, để thuê chở bệnh nhân về quê là một điều vô cùng khó khăn với họ. Mới đây nhất cách đây 2 ngày, Ban giám đốc đã nhờ hai xe cứu thương chở bệnh nhân tử vong miễn phí”, ông Hiền nói.

Bên cạnh đó, mọi loại xe (từ xe cá nhân, xe cứu thương không hợp đồng với bệnh viện) sẽ được phép vào bệnh viện đón bệnh nhân khi có người nhà bệnh nhân xác nhận thuê xe chở người bệnh.

Phải minh bạch thông tin cho người bệnh

Về các dịch vụ mà bệnh viện phải thuê một số tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp các dịch vụ như bảo vệ, trông giữ xe, vận chuyển người bệnh cấp cứu, căng tin, xử lý chất thải rắn y tế, bảo quản tử thi, dịch vụ tang lễ… Bộ trưởng Tiến cho rằng các hoạt động này còn tồn tại nhiều bất cập gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc và các cơ sở y tế.

Nhằm chấn chỉnh kịp thời những hoạt động nêu trên và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị y tế trong toàn quốc (đặc biệt là bệnh viện) khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký kết về cung cấp dịch vụ tại bệnh viện, các cơ sở y tế để có biện pháp ngăn ngừa phòng tránh sai phạm, xử lý nghiêm, thậm trí chấm dứt các hợp đồng nếu xảy ra vi phạm hoặc có hành vi ứng xử không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, khách quan, minh bạch các dịch vụ thuê, khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp theo quy định, lựa chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, được tập thể chấp nhận.

Bên cạnh đó, cần công khai, niêm yết giá các loại dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung ứng tại bệnh viện, các cơ sở y tế để người bệnh và người nhà người bệnh biết, tự do lựa chọn. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung cấp, đặc biệt là các dịch vụ vận chuyển người bệnh, tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh, người nhà người bệnh phải sử dụng dịch vụ do bệnh viện đã ký kết với các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài đang triển khai tại bệnh viện.

Sau vụ việc xảy ra tại BV Nhi Trung ương, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện cần tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các nhân viên đang thực hiện dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp và với người bệnh, người nhà người bệnh .

Đồng thời cần phân công đơn vị của bệnh viện, các cơ sở y tế làm đầu mối chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra các hoạt động dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân cung cấp; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện báo cáo nhanh số liệu các dịch vụ đang thuê, khoán ngoài tại đơn vị gửi Sở Y tế, Y tế bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế (đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trực tiếp gửi báo cáo về Bộ Y tế) trước ngày 27/7/2016.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm