1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật về bia rượu không phá vỡ văn hoá

(Dân trí) - “Luật phòng chống tác hại của bia, rượu phải có. Đề ra luật này không phải ngăn cản phát triển kinh tế, hay phá vỡ văn hoá mà là nhân văn vì sức khoẻ con người, cũng là chức trách của ngành y tế”

Tại phiên họp về luật phòng chống tác hại của bia, rượu của Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội diễn ra tại Đà Nẵng sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định như trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật phòng chống tác hại của rượu, bia là nhân văn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Luật phòng chống tác hại của rượu, bia là nhân văn"

Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật phòng chống tác hại của bia, rượu. Qua đó, phiên họp ghi nhận nhiều góp ý cho dự thảo luật từ các thành viên Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội

Phiên họp về luật phòng chống tác hại của bia, rượu của UB Các vấn đề về xã hội của Quốc hội vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/10
Phiên họp về luật phòng chống tác hại của bia, rượu của UB Các vấn đề về xã hội của Quốc hội vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/10

Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng trong thực tế, một số quy định liên quan đến sử dụng bia rượu đã cho thấy hiệu quả. Ví dụ, quy định cấm cán bộ, công chức uống bia, rượu vào buổi trưa cho thấy không chỉ tốt cho sức khoẻ, mà còn không ảnh hưởng đến công việc buổi chiều. Hoặc cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia đã giảm đáng kể tai nạn giao thông

Các ĐB thống nhất cao việc cần thiết phải có ngay luật phòng chống tác hại của bia, rượu
Các ĐB thống nhất cao việc cần thiết phải có ngay luật phòng chống tác hại của bia, rượu

Đối với dự thảo luật phòng chống tác hại của bia, rượu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan góp ý cần nhất quán điều luật quy định người dưới 18 tuổi không được uống bia, rượu với việc không mua bán, sử dụng bia rượu.

ĐB Lan cũng đề nghị cân nhắc điều luật tăng giá bia, rượu. Điều này dẫn đến hệ luỵ là hàng lậu, hàng giả nhiều; không công bằng cho những doanh nghiệp kinh doanh tử tế.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng lại nêu vấn đề nếp văn hoá bia, rượu. Ở nhiều địa phương, trong các đám cưới, đám tiệc, mời nhau ly rượu là một nét văn hoá giao tiếp. Có những người ngâm hàng nghìn lít rượu, hay trưng bày hàng trăm chai rượu chỉ để ngắm. Theo ĐB này, rượu, bia không phải là đối tượng cấm, không phải độc dược mà nghe đến là “bỏ chạy”. Bia, rượu có đời sống văn hoá riêng của nó.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Bia, rượu có đời sống văn hoá riêng của nó
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Bia, rượu có đời sống văn hoá riêng của nó"

Các ĐB khác cho rằng quan trọng là phải hình thành một văn hoá không lạm dụng rượu, bia. Trong một bữa tiệc, uống 1 ly cho vui thì cũng được chứ đừng say bí tỉ mới thôi. Nhất là phải bỏ việc ép nhau uống bia, rượu.

Các ĐB cũng góp ý phải quy định cụ thể như thế nào là lạm dụng bia, rượu. Ví dụ, uống quá ba ly rượu là lạm dụng, quá một lon bia là lạm dụng, cho trẻ nhỏ uống bia, rượu là làm dụng...

Các ĐB cũng cho rằng cần mở rộng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi tác động của bia, rượu, không chỉ là phụ nữ, trẻ em bị tác động khi bia, rượu là nguyên nhân tăng nguy cơ bạo lực gia đình. ĐB Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng chăm sóc trẻ em khỏi tác động của bia, rượu cần nói rộng ra là tất cả trẻ em đều cần, chứ không như dự thảo luật ghi chú trọng trẻ là con em gia đình nghèo khó, ở vùng sâu, vùng xa.

Các ĐB góp ý cần mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng bởi tác động của bia, rượu
Các ĐB góp ý cần mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng bởi tác động của bia, rượu

Cá biệt có ý kiến của ĐB Xuân ở Cần Thơ là chưa nên ra luật vào thời điểm này, vì trong dự thảo luật vẫn còn nhiều điều cấm khó khả thi; và đối tượng chịu ảnh hưởng bởi tác động của bia rượu cần mở rộng hơn.

Tiếp thu các ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Luật phòng chống tác hại của bia, rượu phải có. Đề ra luật này không phải ngăn cản phát triển kinh tế, hay phá vỡ văn hoá mà là nhân văn vì sức khoẻ con người, cũng là chức trách của ngành y tế”

Theo Bộ trưởng Tiến, luật ra đời theo tinh thần Nghị quyết của TW đến 2020 phải giảm 10% lượng tiêu thụ rượu bia. Hiện trên thế giới đã có 100 quốc gia có luật này, trong đó có cả những nước có truyền thống sản xuất bia, rượu nổi tiếng như Argentina nổi tiếng với rượu vang đã có luật này từ 1996. Hiệu quả của luật cũng thấy rõ ở các nước như Thái Lan giảm 50% ca tử vong do rượu, bia sau khi có luật.

Còn về kiểm soát bia, rượu hay hàng lậu, hàng giả thuộc chức năng của bộ, ngành khác. Ngành y tế chỉ quan tâm chức trách chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng chống tác hại không thể phủ nhận của rượu, bia đến sức khoẻ ở mọi góc độ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đồng ý tinh thần chung của dự thảo luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thống nhất với các ĐB về việc bỏ điều luật cấm bán bia, rượu qua internet vì trong thực tiễn, điều luật này khó khả thi, không thể kiểm soát hết được. Thêm vào đó, rượu, bia là thực phẩm chứ không phải hàng cấm.

Khánh Hiền