“Bỏ quên” chiếc đũa suốt 4 năm trong hốc mắt

(Dân trí) - Khoảng 4 năm trước do mâu thuẫn khi đi nhậu, nạn nhân bị đối phương đâm thẳng vào mặt. Gần đây nạn nhân có biểu hiện nhìn mờ, viêm hốc mắt phải, tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện chiếc đũa xuyên từ hốc mắt thấu xoang sàng tới xoang bướm.

Ca bị dị vật rất hi hữu trên là bệnh nhân Lê Tấn L. (40 tuổi, ngụ tại Lagi, Bình Thuận) vừa được can thiệp tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM ngày 13/6. Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía bệnh nhân nghi nhận, khoảng 4 năm trước trong một lần đi nhậu, mâu thuẫn xảy ra, anh Tấn L. bị đối phương tấn công gây tổn thương hốc mắt bên phải.

“Bỏ quên” chiếc đũa suốt 4 năm trong hốc mắt - 1

Dị vật nằm lâu năm trong xoang sàng của bệnh nhân trên hình ảnh nội soi

Nạn nhân ngay sau đó được đưa đến bệnh viện huyện sơ cứu, may vết thương. Sau đó mắt bị áp xe 3 lần, được bác sĩ rạch giải áp, điều trị vết thương. Suốt 4 năm qua, bệnh nhân không có biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe nhưng gần đây, mắt phải nhìn mờ kèm theo tình trạng đau nhức, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt, TPHCM thăm khám. Sau khi kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ phát hiện dị vật cản quang nên chuyển người bệnh qua Tai Mũi Họng.

Trên hình ảnh CT-Scan, các bác sĩ phát hiện dị vật đâm thấu hốc mắt, xuyên xoang sàng đến mặt trước của xoang bướm. Xác định đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh bị áp xe hốc mắt tái diễn nhiều lần nên quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

“Bỏ quên” chiếc đũa suốt 4 năm trong hốc mắt - 2

Đầu chiếc đũa có chiều dài khoảng 7cm được lấy ra ngoài

BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, khoa Mũi Xoang cho hay: khi nội soi chúng tôi phát hiện dị vật đi thẳng từ hốc mắt xuyên xoang sàng đến sát xoang bướm. Dị vật nằm lâu năm trong cơ thể nên đã bị các mô xương bán chặt, toàn bộ xoang bên phải đã bị viêm nhiễm, tạo ổ mủ. Chúng tôi phải dùng khoan để phá mô xương, phải mất 2 giờ 30 phút tỉ mẫn đến từng chi tiết nhỏ, ê kíp mới rút thành công dị vật là đầu của chiếc đũa dài khoảng 7cm.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện nhận định: “Dị vật đã tụt vào trong, vết thương của người bệnh được chữa lành nên tình trạng áp xe hốc mắt rất dễ bị nhầm lẫn với viêm túi lệ. Nếu không khai thác kỹ bệnh sử, không CT-Scan thì rất khó phát hiện dị vật nên đây là ca bệnh rất khó. Dị vật nằm ở vị trí phía trước xoang sàng phía sau xoang bướm, gần thần kinh thị, động mạch cảnh, màng não… Nếu bị áp xe xâm lấn các cấu trúc trên, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong. Bệnh nhân đã may mắn khi cuộc phẫu thuật giúp loại bỏ được dị vật nhưng không gây tổn thương các cấu trúc quan trọng”.

“Bỏ quên” chiếc đũa suốt 4 năm trong hốc mắt - 3

PGS Chung Thủy (đứng giữa) hỏi thăm sức khỏe người bệnh

Trong cuộc phẫu thuật, ê kíp bác sĩ đã kiểm tra, lấy triệt để dị vật để tránh nguy cơ viêm nhiễm, áp xe tái phát. Qua trường hợp trên, PGS Chung Thủy khuyến cáo cộng đồng nói chung và những người làm công tác chuyên môn nói riêng, khi cơ thể người bệnh có những biểu hiện viêm nhiễm, áp xe tái phát nhiều lần, cần phải nghĩ ngay đến việc có dị vật bên trong để thực hiện các biện pháp chẩn đoán, phát hiện điều trị kịp thời. Việc can thiệp cần phải loại bỏ triệt để dị vật để tránh nguy cơ gây viêm, tạo ổ áp xe tái phát.

Vân Sơn