Bố mẹ đưa con vượt 50km tiêm chủng dịch vụ vì hết vắc xin Quinvaxem 5 trong 1
(Dân trí) - 3 lần ra Trạm Y tế phường để hỏi vắc xin Quinvaxem nhằm tiêm cho con đúng lịch chị Thúy đều nhận cái lắc đầu, hẹn đầu năm 2019 mới có vắc xin. Quá sốt ruột, khi biết tại Trung tâm CDC Tiền Giang còn vắc xin dịch vụ, chị đã phải ôm con vượt hơn 50km đến tiêm.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy cho biết, con gái chị đã 5,5 tháng tuổi, được bố mẹ đưa từ huyện Thạch Phú (TP Bến Tre) sang Tiền Giang để tiêm vắc xin.
Chị cho biết, cách đây hơn 3 tháng, con chị được tiêm mũi đầu Quinvaxem tại Trạm y tế phường, không mất phí và được hẹn tháng sau quay lại để tiêm. Tuy nhiên, 3 lần quay lại hỏi tại đây đều hết vắc xin và trẻ buộc phải đợi ít nhất đến đầu 2019 mới có vắc xin thay thế để tiêm ngừa.
Quá sốt ruột, hai vợ chồng chị đã phải thuê xe, vượt 50km sang Trung tâm CDC Tiền Giang để tiêm vắc xin cho trẻ.
Cùng tâm trạng lo lắng khi cách quãng thời gian tiêm vắc xin, rất nhiều bố mẹ ở Tiền Giang, các vùng lân cận như Bến Tre chấp nhận bỏ vài trăm nghìn để tiêm vắc xin dịch vụ cho con thay vì phải chờ đợi đến đầu năm 2019 mới có vắc xin. Tuy nhiên, vắc xin dịch vụ cũng không phải sẵn hàng vì Trung tâm thông báo không nhận trẻ tiêm mũi mới, dành ưu tiên cho những trẻ cần phải tiêm nhắc lại.
BS Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho biết, sau ngày tiêm chủng mở rộng (25 – 30 hàng tháng) tại Tiền Giang, Trung tâm tăng vọt số trẻ em đến tư vấn xin tiêm dịch vụ.
Bởi đến ngày 25, khi đi tiêm nhắc mũi Quinvaxem nhiều trẻ không thể tiêm vì hết vắc xin, trong khi đợi vắc xin mới ít nhất đầu năm 2019 mới có.
“Số bệnh nhi đến khám tư vấn tiêm tăng đột biến, trong hai ngày 26 – 27/10, chúng tôi phải làm việc xuyên trưa, đến 1 – 2 giờ chiều mới được nghỉ tay ăn cơm trưa”, BS Lê cho biết.
Theo BS Lê, trước đây trung bình một ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 250 trẻ đến khám, tiêm vắc xin thì hai ngày qua đều tăng hơn gấp đôi, với khoảng 530 trẻ đến tiêm.
Trong khi đó, vì nhu cầu tăng tiêm đột biến nên vắc xin dự trữ 6 trong 1 đang ít đi. Ngày 26/10 Trung tâm mới nhập thêm được 90/400 liều vắc xin dành cho quý 4 năm 2018.
Vì thế, sau hai ngày triển khai tiêm, Trung tâm đã dừng tiếp nhận tiêm vắc xin 6 trong 1 mũi mới cho trẻ, dành ưu tiên tiêm nhắc lại cho các trẻ đã được tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 trước đó.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS theo thông báo trong tháng 10 vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã hết và phải đợi đến tháng 2/2019 sẽ có vắc xin mới.
Hiện tại, vào các ngày tiêm chủng mở rộng, trẻ được uống bại liệt, tiêm các vắc xin khác. Còn nếu gia đình nào có nhu cầu có thể cho con đi tiêm vắc xin dịch vụ.
Theo ông Thành, trung bình mỗi tháng có khoảng 100 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem tại 17 điểm tiêm ở thành phố. Còn tổng 22 xã huyện Châu Thành mỗi năm có khoảng 3000 trẻ cần tiên Quinvaxem mới. Hiện tại rất nhiều trẻ đang phải chờ mũi tiêm này.
Về tình trạng hết vắc xin Quinvaxem tại nhiều tỉnh thành, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã tiếp nhận 290.000 liều vắc-xin ComBE Five (vắc-xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) của nhà sản xuất Ấn Độ để thay thế cho vắc xin Quinvaxem (Hàn Quốc) hiện đã ngừng sản xuất trên toàn cầu. Hiện số vắc-xin này đang được sử dụng thực địa tại một số tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Bình Định...
Trước đó, tháng 6/2018 Bộ Y tế đã nhập 3 lô vắc-xin ComBE Five nhưng kết quả kiểm nghiệm các lô vắc-xin này chưa đạt như mong muốn nên đã không thể đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc-xin ở nhiều địa phương trên cả nước.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo trong thời gian chờ vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia các bậc phụ huynh có thể thay thế bằng việc tiêm vắc xin dịch vụ hoặc tiếp tục chờ đợi. Với những trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi Quinvaxem sẽ được tiêm vắc xin ComBE Five liều tiếp theo khi có vắc xin.
"Bộ Y tế thời gian qua đã làm rất thận trọng, kiểm định chất lượng vắc xin. Cơ bản Bộ Y tế đã làm hết sức để có vắc xin tiêm cho trẻ em. Trong tháng 10 vắc xin được triển khai tại quy mô nhỏ, 7 tỉnh thành sau đó mới triển khai trên quy mô toàn quốc", PGS Phu nói.
Bài và ảnh: Hồng Hải