Bố mất, anh trai bị ung thư di căn xương, người thân có nguy cơ ung thư?
(Dân trí) - Bố tôi mất vì ung thư phổi 3 năm nay. Anh trai tôi mới đi khám cũng được chẩn đoán ung thư phổi di căn xương. Xin hỏi bác sĩ, ung thư phổi có di truyền không? Chị em tôi cần lưu ý gì để phòng ung thư?
Ths.BS Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ lồng ngực, Bệnh viện K trả lời:
Ung có nhiều nhóm nguyên nhân gây ra, gồm nhóm nguyên nhân từ bên ngoài, bên trong.
Với tác động từ bên ngoài gây ung thư phổi, những yếu tố được nhắc nhiều nhất là hút thuốc lá, ngửi khói thuốc lá, tiếp xúc các chất độc hại như phóng xạ, hoá chất độc hại, rồi từ đồ ăn nước uống (thực phẩm nhiễm bẩn), không khí, khói bụi...
Nguyên nhân nội sinh gây ung thư phổi có thể do các bệnh mãn tính, bệnh lý sinh ra do vi khuẩn, virus, bệnh liên quan đến lao động trong điều kiện độc hại, hầm mỏ, bụi phổi…
Yếu tố di truyền cũng là một trong yếu tố góp phần căn nguyên gây ung thư phổi.
Trong trường hợp của bạn, ở một gia đình đã có hai người được chẩn đoán xác định ung thư, cho thấy gợi ý tới hai vấn đề:
Gia đình bạn có sống trong vùng môi trường ô nhiễm, khả năng gây ung thư phổi? Yếu tố di truyền trong ung thư cũng có nhưng là thứ yếu, ở phía sau.
Bạn không nên quá lo lắng, không phải ở trong gia đình có người mắc ung thư, các thành viên khác cũng bị, dù thực tế ở trong điều kiện này so với những người có tiền sử gia đình khoẻ mạnh là có nguy cơ hơn.
Vì thế, để phòng nguy cơ mắc ung thư, bạn và các thành viên trong gia đình cần thực hiện lối sống tích cực, lành mạnh, tránh xa thuốc lá, tránh môi trường sống cùng người hút thuốc (bạn không hút thuốc nhưng khi ở cùng nhà có người hút thuốc, bạn cũng sẽ hít phải khói thuốc thụ động, độc hại không kém người hút thuốc).
Bên cạnh đó duy trì chế độ tập luyện đều đặn, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, chữa trị bệnh mãn tính nếu có.
Bạn cũng có thể đi khám sàng lọc nguy cơ ung thư định kỳ, trong đó có ung thư phổi để ngăn ngừa khả năng mình bị bệnh hoặc được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất. Bởi có khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, nếu thực hiện được khám sàng lọc định kỳ sẽ cho phép phát hiện sớm nhất nguy cơ.
Dưới đây là 5 dấu hiệu hay gặp nhất của ung thư phổi:
- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân
Tất cả những trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả cần đi khám tầm soát ung thư phổi.
- Ho máu
Đây là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Người bệnh có thể thấy ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.
- Đau ngực
Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau một bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.
- Khó thở
Đây là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể xảy ra khi người bệnh vận động mạnh, leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Gầy sút cân, mệt mỏi
Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.
Ngoài ra, nếu thấy bất cứ triệu chứng nào về sức khoẻ thấy bất bình thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.
Hồng Hải (ghi)