Bình Định: Vụ gần 400 người bị ngộ độc loại trừ nguyên nhân do nguồn nước
(Dân trí) - Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xác định nguyên nhân khiến gần 400 người ở huyện Tây Sơn bị ngộ độc không phải do nguồn nước như người dân nghi ngờ ban đầu.
Ngày 31/3, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã báo cáo UBND tỉnh này liên quan đến vụ ngộ độc xảy ra tại hai xã Bình Tường và Vĩnh An (huyện Tây Sơn), sau khi cơ quan này đã tổ chức họp liên ngành NN&PTNT, Công Thương, TN&MT, KH&CN cùng UBND huyện Tây Sơn.
Theo đó, về nguyên nhân gây nên ngộ độc, sau khi xem xét các yếu tố diễn biến quá trình xảy ra ngộ độc, số lượng, độ tuổi, phân bổ, triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc và các kết quả xét nghiệm mẫu nước, nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc hiện chưa xác định được.
Ngoài ra, nguyên nhân bị ngộ độc do thực phẩm cũng được loại trừ, do các trường hợp có biểu hiện ngộ độc xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, địa bàn rộng, diễn biến nhanh; không có các yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt; triệu chứng lâm sàng của các trường hợp bệnh không phù hợp với triệu chứng lâm sàng của ngộ độc thực phẩm.
Về nguyên nhân do không khí, cần phải được tìm hiểu thêm về các yếu tố như sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, khí thải nguy hại. Tuy nhiên, khảo sát ban đầu tại hiện trường cũng chưa phát hiện có yếu tố nguy cơ cao gây ngộ độc trên diện rộng như vậy.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu, thời gian tới, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tây Sơn, Trạm y tế xã Bình Tường và xã Vĩnh An tăng cường theo dõi, giám sát để ghi nhận các trường hợp ngộ độc phát sinh; phối hợp y tế trường học để ghi nhận, điều tra kịp thời khi có trường hợp bệnh xuất hiện trong cộng đồng, hoặc đến khám tại y tế trường học, cơ sở y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn cho TTYT huyện Tây Sơn để thực hiện.
UBND huyện Tây Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vận động người dân tuân thủ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm đảm bảo hợp vệ sinh.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT, UBND huyện Tây Sơn theo dõi, giám sát việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn, nhất là việc phun thuốc chống sâu rầy đối với cây xoài (đang mùa ra hoa, kết trái) trên địa bàn 2 xã nói trên và các địa bàn khác trong huyện; hướng dẫn người dân về quản lý, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.