1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bình Định: Chi hơn 7 tỷ đồng “dập” dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Ngày 31/12, ông Lê Quang Hùng, Phó GĐ Sở Y tế Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã chi hơn 7 tỷ đồng dùng mua trang thiết bị y tế, hóa chất… nhằm khống chế, dập tắt dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên địa bàn tỉnh này.

 

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Bình Định
Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Bình Định

Theo Sở Y tế Bình Định, tính đến ngày 23/12, toàn tỉnh ghi nhận được hơn 2.400 ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 1 ca tử vong ở huyện Hoài Nhơn. Các trường hợp mắc bệnh ở tất cả 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Các địa phương có ca mắc bệnh cao: TP Quy Nhơn (726 ca), huyện Phù Cát (257 ca), Vân Canh (282 ca), Hoài Nhơn (232 ca), Phù Mỹ 222…, địa phương mắc ít nhất là huyện An Lão chỉ 4 trường hợp.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, từ tháng 10 đến nay, số bệnh nhân tăng nên nhiều bệnh nhân phải nằm ghép. Số bệnh nhân nhập viện nhiều nhất tại các Khoa Nhi và Khoa Truyền nhiễm. Trong đó, nhiều trường hợp đã biến chứng nặng phải cho thở máy, truyền dịch.

Ông Hùng cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế, các sở ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch SXH. Đến nay, UBND tỉnh đã xuất hơn 5 tỷ đồng kinh phí dự phòng của tỉnh để cấp cho ngành y tế và 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khác để mua hóa chất diệt muỗi, bọ gậy, máy phun hóa chất, trang thiết bị y tế…

Bình Định đang tập trung khống chế, dập tắt dịch sốt xuất huyết
Bình Định đang tập trung khống chế, dập tắt dịch sốt xuất huyết

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn cũng đã bổ sung kinh phí kịp thời cho ngành y tế để triển khai phòng chống dịch SXH. Riêng đối với địa bàn TP Quy Nhơn địa bàn có số ca bệnh chiếm gần 1/3 cả tỉnh thì gặp khó khăn trong việc cấp kinh phí. Bởi các xã, phường của Quy Nhơn cấp kinh phí bổ sung cho các trạm y tế, nhất là công thuê người phun thuốc. Theo định mức của nhà nước trả 100.000 đồng/người/ngày, trong khi thuê nhân công ngoài từ 300 đến 400.000 đồng/người/ngày.

“Hằng ngày đều giám sát ca bệnh tại các sở y tế để phân tích xử lý ổ dịch, tổ chức tập huấn và hướng dẫn chẩn đoán cho các cơ sở y tế. Đồng thời cung cấp đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho các cơ sở mà đảm bảo công tác cấp cứu. Tăng cường các hoạt động truyền thông với các chiến dịch truyền thông lưu động. Tiến hành xác minh 100% ổ dịch và tổ chức phun hóa chất trên diện rộng, trong đó tập trung ở một số địa phương trọng điểm, nhất là ở TP Quy Nhơn nhằm giảm tình trạng bùng phát trong thời gian tới”, ông Hùng nói.

Doãn Công