Biểu bì da điện tử - Hy vọng mới cho bệnh nhân lắp chân tay giả
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tạo ra một loại biểu bì (da) điện tử có khả năng phản ứng lại với những rung động và áp lực, từ đó đem lại “cảm giác” cho những bệnh nhân lắp chân tay giả.
Cấu tạo của da điện tử
Cụ thể, khi lớp da linh hoạt này bị tác động, bẻ cong hoặc chịu sức ép càng lớn, ánh sáng LED phát ra từ nó càng mạnh.
Các nhà nghiên cứu đến từ trường đại học California kết luận rằng loại da điện tử này có thể được dùng để phục hồi xúc giác cho những bệnh nhân lắp chân tay giả, hoặc ứng dụng trong smart phone, bảng điều khiển ô tô, robot,.v.v.
Sản phẩm kì diệu này được phát minh bởi Ali Javey, một giáo sư chuyên về kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính từ khu học xá Berkeley. Nó bao gồm một lớp polyme, hoặc nhựa (mỏng hơn tờ giấy) tan chảy trên một lớp silicon.
Một khi lớp nhựa cứng lại, các mạch điện tử sẽ được cố định phân lớp. Tiếp đó, lớp nhựa được bóc tách dần dần khỏi silicon, tạo nên một “cuộn phim” linh hoạt với các cảm biến và chất bán dẫn bên trong.
Hiện tại, sản phẩm mẫu có kích thước 16 x 16 pixel, mỗi điểm ảnh chứa một chất bán dẫn làm từ vật liệu nano, một ống hai cực (điôt) phát sáng hữu cơ (OLED), và một cảm biến áp lực.
Năm 2010, nhóm của Javey đã tạo ra một mạng lưới các cảm biến áp lực làm từ sợi nano gắn trên một tấm polyme lớn.
Khi Javey chạm vào tấm nhựa này, lập tức dấu hiệu điện tử thông báo có sự xuất hiện của áp lực đi tới máy tính.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát minh này có thể được ứng dụng để phục hồi xúc giác cho những bệnh nhân lắp chân tay giả. Javey và các đồng nghiệp tin rằng những thế hệ mới nhất có thể được trang bị cho robot, khiến chúng trở nên sống động hơn, cũng như tăng khả năng cảm ứng. Loại “da” điện tử này cũng có thể đưa vào màn hình smart phone, bảng điều khiển xe hơi, thậm chí là…đồng hồ.
Một ví dụ khác được đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tập chí Nature Materials, đó là hình nền tương tác. Tác giả Chuan Wang phát biểu: “Tôi hình dung một bảng điện tử sức khỏe có khả năng đo huyết áp, nhịp tim chỉ cần một cái…chạm tay”
Hiện nhóm của ông đang nghiên cứu trên mẫu có khả năng tương tác và phản ứng lại cả những thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng với tham vọng tạo ra lớp biểu bì sống động hơn nữa.
Trang Trần
Theo Dailymail