Biết về tiền đái tháo đường trước khi quá muộn!

(Dân trí) - Khảo sát, đánh giá mức độ mắc đái tháo đường tại các vùng trên cả nước của bệnh viện Nội tiết TƯ cho thấy, chỉ trong 10 năm (2002-2012), tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng tới khoảng 211% và mang yếu tố địa lý rất rõ.

Bệnh tập trung ở đô thị

 

Theo các chuyên gia đái tháo đường, tại các thành phố lớn, những khu vực đô thị hóa nhanh, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường rất cao.

 

Ví như tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Bạch Mai), PGS.TS Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa, đã từng khám cho bệnh nhi 9 tuổi nặng tới 62kg bị tiểu đường tuýp 2 với chỉ số đường huyết gấp đôi so với bình thường (13 mmol/l).

 

Còn tại Hải Dương, theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, qua điều tra, tổ chức khám sàng lọc đái tháo đường cho hơn 3.000 người, tại 6 phường của Thành phố Hải Dương đã phát hiện 684 trường hợp tiền đái tháo đường, 197 trường hợp mắc đái tháo đường.

 

Trong khi đó, riêng tại huyện Hương Sơn, đã có 2.170 người từ 45 đến 69 tuổi tại 11 xã, phường được khám sàng lọc. Qua đó đã phát hiện 1.646 bệnh nhân có yếu tố nguy cơ; 337 bệnh nhân tiền ĐTĐ; 114 bệnh nhân ĐTĐ.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, vài năm gần đây, số bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc đái tháo đường vào điều trị tại bệnh viện tăng rất nhiều. Số trẻ vị thành niên mắc đái tháo đường cũng khá thường gặp, trong đó trường hợp nhỏ nhất mà bệnh viện ghi nhận là cháu bé 9 tuổi.

 

Còn Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ phòng tư vấn, xét nghiệm đái tháo đường (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hải Dương) cho biết: số người mắc đái tháo đường ngày một tăng nhanh và trẻ hoá, hầu hết độ tuổi từ 40 - 69, nếu như nhiều năm về trước, qua tổ chức khám sàng lọc, số người mắc bệnh tương đối ít thì những năm gần đây, số người mắc tăng nhanh do chế độ ăn uống, cộng với ít vận động. Bên cạnh đó, không ít người còn chủ quan về tình trạng sức khỏe của mình, cùng với những việc nhận thức chưa đầy đủ về bệnh tật và sự thiếu hiểu biết kiến thức y học… đã dẫn đến những hậu quả quá muộn về tình trạng bệnh tật mắc phải.

 
Khám định kỳ và tuân thủ tư vấn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

Khám định kỳ và tuân thủ tư vấn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh
 

Khám định kỳ - Cách phòng và trị bệnh hiệu quả!

 

 Theo PGS.TS Đỗ Trung Quân, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thì trước hết cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là phương pháp vô cùng quan trọng.
 
Với những người làm xét nghiệm đường máu bình thường thì nên đi khám 1 lần/năm; những người tiền đái tháo đường thì phải thăm khám 3 tháng/lần và thực hiện ngay hướng dẫn của thầy thuốc để phòng bệnh.
 

Trong một số trường hợp ở giai đoạn tiền đái tháo đường có thể ngăn ngừa được diễn tiến của bệnh trước khi chuyển sang bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng cách thay đổi lối sống như thực hiện tốt việc giảm cân bằng luyện tập thể dục thường xuyên, kết hợp chế độ ăn với khẩu phần ăn phù hợp sẽ giúp chúng ta giảm được 58% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và luyện tập thể dục đều đặn không phải dễ dàng thực hiện đối với một số người. Do đó cần có sự nỗ lực rất lớn ở bản thân của mỗi người.

 

Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh và từ đó góp phần làm giảm các biến chứng nguy hiểm, nhất là biến chứng về tim mạch, đây là biến chứng có tỉ lệ gây tử vong cao nhất ở người bệnh đái tháo đường. Ở người bệnh đái tháo đường, nếu được điều trị sớm sẽ khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

 

Còn Theo bác sĩ Lê Thanh Tuy, Giám đốc Trung tâm TTGDSK Hải Dương: Đái tháo đường là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện được sớm các biến chứng để đảm bảo cuộc sống bằng việc thực hiện các nguyên tắc như: thường xuyên, liên tục và kiên trì theo dõi đường huyết, bảo đảm thực hiện đúng chế độ ăn uống, năng tập luyện thể dục thể thao để duy trì cân nặng lý tưởng, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm những biến chứng. Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống rượu, ngoài ra cần phải chú ý chăm sóc bàn chân.

 

Tóm lại, để phòng tránh các biến chứng của bệnh đái tháo đường, trước hết là phòng tránh các nguy cơ gây bệnh, cần quan tâm hơn nữa đối với sức khoẻ để có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tích cực, kiên trì, bên cạnh đó là cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng béo phì, luyện tập thể dục đều đặn là những biện pháp rất cần thiết.

 

Hồng Hà