Biết bệnh mà lại... mừng

Nhiều phụ huynh lo lắng vì con cái kêu đau hết chỗ này đến chỗ kia nhưng sau nhiều lần xét nghiệm, chiếu chụp vẫn không tìm ra bệnh...

Đau mà... không biết bệnh gì!

 

Khi nhìn cô con gái 13 tuổi chiều nào cũng kêu mệt rồi nằm bẹp gí trên giường, chị Lê Hoài Hương (khu tập thể văn công Cầu Giấy, Hà Nội) xót vô cùng. Bé Lan còn kêu người nóng bừng như sốt làm chị liên tưởng đến bệnh lao phổi. Đưa Lan đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, bác sĩ kết luận: phổi khỏe. Nhưng về nhà con chị tiếp tục mệt... Gia đình đưa đi soi chụp lại ở bệnh viện khác, kết quả vẫn giống y ban đầu: tim, phổi bình thường.

 

Cách đây một tháng, Lan được khoa tâm thần Bệnh viện Nhi TƯ kết luận: rối loạn đau dạng cơ thể (RLĐDCT).

 

Theo bác sĩ Cao Vũ Hùng, phó trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi TƯ, RLĐDCT là bệnh lý khá đặc biệt khi người bệnh thường kêu đau ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể. Nhưng các thăm dò không tìm ra bệnh lý thực thể, hoặc nếu có bệnh lý thì những than phiền từ người bệnh lại quá mức so với kết quả khám thực tế.

 

Các xét nghiệm không cho ra kết quả bệnh lý và người bệnh thường tìm lý do để giải thích bệnh tật của mình. Do vậy đau đớn thường kèm theo lo lắng, trầm cảm, nhưng triệu chứng đau bao giờ cũng nổi bật hơn biểu hiện trầm cảm.

 

Chẩn đoán bệnh theo tâm lý

 

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi TƯ về 67 trường hợp được chẩn đoán RLĐDCT vào điều trị nội trú gần đây cho kết quả: trẻ gái bị bệnh nhiều hơn trẻ trai hai lần, đa số (83,6%) gặp ở trẻ sống trong gia đình “có vấn đề”. 5/6 số trẻ RLĐDCT có biểu hiện đau đầu, hơn 1/2 bị đau bụng, đau ngực, rối loạn lo âu chiếm 94%, trầm cảm hơn 70%...

 

Trong một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Nhi TƯ về 67 trường hợp được chẩn đoán RLĐDCT điều trị nội trú, cho thấy chỉ có 9% bệnh nhi được chẩn đoán đúng trước khi đến bệnh viện. Những hậu quả của điều trị không đúng và điều trị muộn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, trẻ phải nghỉ học nhiều và học tập sút kém, kém thích nghi xã hội...

 

Các bậc phụ huynh cần chú ý đến dạng bệnh lý này ở trẻ khi các biểu hiện đau đớn không liên quan đến bệnh tật này hay xảy ra từng đợt khi trẻ học nhiều, có căng thẳng tâm lý, thời tiết thay đổi. Chứng đau đầu thường được trẻ mô tả đau âm ỉ vùng trán, thái dương, vùng gáy. Chứng đau bụng thường khởi phát từ từ, đau quanh vùng rốn hoặc đau cả bụng, đau không liên quan đến bữa ăn, không gây rối loạn ngủ. Đau khớp không kèm theo sưng khớp, không hạn chế vận động. Đau ngực thường ở vùng ngực trái hoặc sau xương ức, có kèm theo khó thở, khó nuốt... Việc phát hiện và điều trị sớm RLĐDCT ở trẻ sẽ tránh được những hậu quả bệnh lý kéo dài.

 

Bác sĩ Quách Thúy Minh, trưởng khoa Tâm thần, cho hay: “Ngay cả khi đã kết luận tình trạng bệnh, nhưng nếu giải thích cho gia đình là trẻ không có bệnh thì gia đình thường hoài nghi và không chấp nhận! Cho nên thông thường chúng tôi giải thích là trẻ có bệnh nhưng không nguy hiểm và chỉ là rối loạn nhất thời, lập tức gia đình chấp nhận dễ dàng và hợp tác hơn trong điều trị”.

 

Tại Bệnh viện Nhi TƯ, kết quả điều tra cho thấy có trên 85% bệnh nhi đỡ đau nhiều sau những đợt trị liệu tâm lý.

 

Theo Ngọc Hà

Tuổi trẻ