Biến thể Delta lây lan nhanh, chuyên gia nhấn mạnh: "Ai ở đâu ở yên đó"

Phạm Tâm

(Dân trí) - Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam còn phức tạp, đặc biệt biến thể mới Delta lây nhiễm rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn. Chuyên gia nhấn mạnh người dân cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16.

Mới đây, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổ trưởng có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Biến thể Delta lây lan nhanh, chuyên gia nhấn mạnh: Ai ở đâu ở yên đó - 1

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Chính phủ làm việc với Cần Thơ ngày 14/8 về công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Võ Minh Lương cho biết: "Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam còn phức tạp, đặc biệt biến thể mới Delta lây nhiễm rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn, vì vậy chúng ta phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16".

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; chủ động lựa chọn các phương án cách ly thật bảo đảm an toàn, nghiêm ngặt; cần triển khai tổ Covid cộng đồng đăng ký vùng xanh từ các khóm, ấp trở lên để lan tỏa ra toàn thành phố; phát động từng người dân đăng ký giữ vững vùng xanh, thực hiện tốt thông điệp "5K" để nhanh chóng đưa cuộc sống trở về bình thường mới…

Liên quan đến công tác phòng chống Covid ở bệnh viện tuyến cuối của vùng ĐBSCL bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: "Biến thể Delta lây lan rất nhanh và mạnh. Tổ chức y tế thế giới cũng rất quan tâm và lo ngại về khả năng lây nhiễm của chủng này. Trong thực tế có nhiều trường hợp chỉ tiếp xúc người bệnh mang biến thể này chỉ sau một ngày là bị nhiễm bệnh", bác sĩ Nghiêm cho biết.

Biến thể Delta lây lan nhanh, chuyên gia nhấn mạnh: Ai ở đâu ở yên đó - 2

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, biến thể Delta lây lan rất nhanh và mạnh.

Cũng theo bác sĩ Nghiêm, các triệu chứng thường gặp nhất của chủng này, đau đầu, đau họng, sổ mũi. Các triệu chứng này cũng khác nhau giữa các nhóm đã được tiêm ngừa hay chưa tiêm ngừa.

Nhóm chưa tiêm ngừa vắc xin Covid -19, thường gặp triệu chứng: đau đầu, đau họng, sốt, sổ mũi, ho dai dẳng.

Nhóm đã tiêm một liều vắc xin phòng Covid-19, gồm các triệu chứng: đau đầu, đau họng, sổ mũi, hắt xì, ho dai dẳng.

Nhóm đã tiêm ngừa vắc xin mũi 2, có các triệu chứng: đau đầu, đau họng, sổ mũi, hắt xì, mất khứu giác. Nhưng các trường hợp đã được tiêm ngừa thì triệu chứng thường nhẹ, giảm tử vong khi mắc và ít khả năng lây lan cho người khác.

Bác sĩ Nghiêm cũng cho biết, các triệu chứng nhiễm virus SARS- CoV- 2 rất giống các trường hợp nhiễm cúm thông thường nên nhiều người chủ quan và bỏ qua nên bệnh diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao.

"Chúng ta hết sức cảnh giác khi có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau họng, đau cơ, mất khứu giác, vị giác phải đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm chẩn đoán", bác sĩ Nghiêm nhấn mạnh.

Bác sĩ Nghiêm cũng cho biết biến chủng Delta lây lan nhanh, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp trong khi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là bệnh viện tuyến cuối của ĐBSCL nên Ban giám đốc quyết tâm bảo vệ "thành trì" được vững chắc.

Bệnh viện quy định, tất cả người dân đến bệnh viện đều phải test nhanh trước khi vào khám bệnh. Nếu âm tính được vào thăm khám điều trị cho bệnh nhân ở khu thông thường. Nếu dương tính sẽ xử lý theo quy định chống dịch. Các trường hợp cấp cứu thì vào thẳng khoa cấp cứu khu riêng làm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh và làm PCR để sau giai đoạn cấp cứu vào khoa nội trú nếu âm tính. Bên cạnh xét nghiệm cho người bệnh thì người nuôi bệnh cũng phải xét nghiệm PCR.

Biến thể Delta lây lan nhanh, chuyên gia nhấn mạnh: Ai ở đâu ở yên đó - 3

Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ quy định, tất cả người dân đến bệnh viện đều phải test nhanh trước khi vào khám bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng quy định, mỗi bệnh nhân nhập viện nội trú chỉ có một người nuôi bệnh được xét nghiệm Real time PCR âm tính và lấy dấu vân tay để quản lý trước khi lên khoa nội trú. Các bệnh nhân và thân nhân ở các khoa có nguy cơ cao như thận nhân tạo, hồi sức tích cực mỗi 3 ngày làm xét nghiệm PCR một lần.

Tất cả nhân viên y tế và người làm việc trong bệnh viện đều phải làm xét nghiệm định kỳ, 5 hay 7 ngày tùy đối tượng, khu vực. Quy định tất cả nhân viên, người làm việc tại bệnh viện không rời khỏi TP Cần Thơ về các tỉnh và đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Bác sĩ Nghiêm cũng khuyến cáo, do dịch covid 19 đang diễn biến phức tạp, để công tác phòng chống dịch hiệu quả, mọi người dân nên thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K của BYT; thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ; Mạnh dạn tiêm vắc xin khi được phân bổ, để đảm bảo cơ thể có kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV -2; nên có chế độ ăn đủ chất, tập thể dục, tinh thần lạc quan... nhằm tăng cường sức khỏe, vượt qua và chiến thắng bệnh tật.