1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là "lời giải" cho đại dịch?

Minh Nhật

(Dân trí) - Việc Vương quốc Anh ghi nhận biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang trở thành mối quan tâm lớn của thế giới. Nhiều người lo ngại đây sẽ là thách thức lớn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Biến chủng SARS-CoV-2 còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã

Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), việc virus SARS-CoV-2 biến chủng là vấn đề không hề mới. Bởi bản chất của virus trong quá trình phát triển và sinh sôi sẽ liên tục biến đổi.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 1

Virus SARS-CoV-2

"Virus nào tồn tại lâu sẽ có biến chủng. SARS-CoV-2 cũng tương tự như virus cúm mùa, liên tục thay cũ đổi mới. Càng thế hệ sau thì sẽ càng có sự thay đổi về kiểu gen, không thể hoàn toàn giống với thế hệ trước được", BS Điền phân tích.

Theo chuyên gia này, kể từ virus SARS-CoV-2 gốc được ghi nhận ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm ngoái, đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 100 biến chủng của loại virus lây qua đường hô hấp này.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 2

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

Tuy nhiên, BS Điền nhấn mạnh chúng ta không thể chủ quan với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, bởi có nhiều thông tin quan trọng vẫn chưa thể giải mã.

Theo chuyên gia này, có 2 vấn đề chính cần quan tâm về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đó là: độc lực và khả năng lây lan so với chủng cũ.

"Theo thông tin được công bố thì khả năng lây lan của chủng virus mới tăng lên so với chủng cũ. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có sự gia tăng độc lực", BS Điền cho hay.

Đồng quan điểm, TS Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng khoa Vi sinh và sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định: "Bản chất của virus có khả năng biến đổi rất nhanh. Ngay tại Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều chủng SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ biến chủng được ghi nhận ở Anh đã trở nên phổ biến, khi ghi nhận trên 1000 người nhiễm biến chủng này".

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 3

TS Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng khoa Vi sinh và sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Cũng theo chuyên gia này, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đến nay vẫn không ảnh hưởng nhiều đến công tác xét nghiệm. Các chuyên gia vẫn liên tục cập nhật thiết kế bộ kit xét nghiệm đặc hiệu cho các biến chủng mới. Do đó, tính chính xác của xét nghiệm vẫn được đảm bảo.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 23/12, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, biến chủng mới của SARS-CoV-2 hiện đang được Bộ Y tế theo dõi chặt.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 4

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh

"Đây là một biến chủng của virus corona, làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% - đây là điều hết sức quan ngại. Đợt địch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 Việt Nam cũng đã phát hiện ra đột biến làm tăng lây nhiễm nhưng không như đợt này", Bộ trưởng Long nói. 

Biến chủng virus mới có phải là thách thức với vắc xin?

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của việc SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, chính là khả năng bảo vệ của vắc xin, thứ vẫn được kỳ vọng là "chìa khóa" chấm dứt đại dịch Covid-19.

Giới khoa học cảnh báo rằng, chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng sinh ra biến thể đột biến gen cao bất thường và nảy sinh nguy cơ "trốn thoát vắc xin", ám chỉ việc mầm bệnh có thể "nhờn" vắc xin trong tương lai và các chuyên gia cần chuẩn bị phản ứng trước sự thay đổi của virus.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 5

Vắc xin Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển

Theo BS Điền, hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước các biến chủng mới phụ thuộc nhiều vào loại kháng nguyên, mà nhà sản xuất đã sử dụng để phát triển vắc xin.

"Nếu kháng nguyên đại diện cho hầu hết các chủng virus SARS-CoV-2, nó sẽ có độ phủ lớn, và có thể bảo vệ cho con người trước nhiều chủng khác nhau", BS Điền phân tích.

Về vấn đề này, theo ông Hồ Nhân - Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, đơn vị phát triển Nanocovax: Loại vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu vắc xin, Nanogen đã tính đến việc SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Do đó, nhóm nghiên cứu đã mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa lại các đoạn gen, để vắc xin có hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2: Vắc xin có còn là lời giải cho đại dịch? - 6

Ông Hồ Nhân - Tổng Giám đốc Công ty Nanogen

"Nanogen đã lựa chọn một chủng virus thông dụng nhất để nghiên cứu và đưa vào sản xuất, nên sau này SARS-CoV-2 có biến chủng thì vắc xin vẫn tạo ra kháng nguyên để thích ứng", ông Nhân khẳng định.

Dù vậy ông Nhân cho biết, vắc xin Covid-19 tương tự như vắc xin ngừa cúm, có hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải tiêm nhắc lại hàng năm.