Biến chứng do sốt cao ở người cao tuổi
Mọi lứa tuổi đều có thể bị sốt, nhưng với người cao tuổi (NCT) dễ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí gây những hậu quả xấu, đặc biệt là sốt cao hoặc rất cao.
Nguyên nhân gây sốt
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở NCT nhưng hay gặp nhất là sốt do mắc bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhiễm trùng có thể là bệnh của đường hô hấp trên như: viêm họng, viêm mũi, xoang, nhất là khi thời tiết chuyển mùa (nóng lạnh đột ngột) hoặc do cảm lạnh (sau khi tắm bằng nước lạnh, ở trong phòng máy lạnh…). Nếu viêm hô hấp trên không được chữa trị có thể dẫn đến viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, màng phổi, thậm chí gây áp-xe phổi).
NCT cũng có thể mắc bệnh nhiễm trùng ở đường tiêu hóa gây sốt như viêm ruột, viêm đường mật cấp tính (tất nhiên còn có nhiều triệu chứng khác kèm theo sốt). NCT cũng có thể sốt do bị viêm đường tiết niệu như viêm bàng quang cấp, viêm thận, viêm niệu đạo. Ngoài ra, NCT cũng có thể mắc một số bệnh gây sốt mà nguyên nhân không phải bị nhiễm trùng như: bệnh ung thư, bệnh về máu, chấn thương (gãy xương), bệnh nội tiết hoặc sốt không rõ nguyên nhân.
Một số biến chứng có thể xảy ra
Khi NCT bị sốt, đặc biệt là sốt cao hoặc rất cao (trên 400C) nếu không xử trí kịp thời, rất có thể xẩy ra một số biến chứng thậm chí biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt khi NCT đang mắc bệnh mạn tính mà bị sốt càng phải thận trọng hơn như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh thuộc hệ hô hấp (viêm phổi, hen suyễn, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mãn tính).
Biến chứng hay gặp nhất của sốt cao ở NCT là ở hệ thần kinh trung ương, nếu nhẹ sẽ gây nhức đầu, chóng mặt, nặng hơn có thể lơ mơ, mê sảng thậm chí gây co giật. Đối với hệ tim mạch thường gây mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng đột biến (nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp càng nguy hiểm).
Sốt ở NCT cũng có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn hoặc ăn vào không tiêu, ậm ạch rất khó chịu. Khi sốt có thể làm cho NCT bị rối loạn nhịp thở như: khó thở, thở nông và khi sốt gây nên tiểu tiện ít do nước được thoát ra theo đường bài tiết mồ hôi và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của thận, nếu kéo dài có thể gây suy thận hoặc bị trụy tim mạch nguy hiểm đến tính mạng.
Xử trí sốt
Trước hết cần đánh giá xem NCT có bị sốt không, tức là đánh giá xem thân nhiệt của NCT có tăng hơn bình thường không, bằng cách cặp nhiệt kế vào nách? Bởi vì, có một số trường hợp NCT sức yếu, phản xạ kém, nằm lâu ngày, thiếu vận động hoặc ăn, uống kém, không hấp thu được, suy kiệt…tuy mắc bệnh nhiễm trùng nặng nhưng khi cặp nhiệt độ không thấy thân nhiệt tăng (không thấy sốt) thậm chí thân nhiệt còn thấp hơn 370C. Trong những trường hợp như vậy NCT cần được khám bệnh một cách toàn diện mới đánh giá đúng bệnh và có biện pháp xử trí bệnh thích hợp, có nghĩa là phải được đến bệnh viên để khám bệnh.
Với NCT có sốt, sốt cao hoặc sốt rất cao, động tác đầu tiên nên làm là lau mát. Lau mát là một việc làm trong hạ nhiệt khi NCT bị sốt, tuy rất đơn giản, dễ thực hiện, không tốn kém nhưng lại rất hiệu quả. Dùng một chiếc khăn sạch nhúng vào chậu nước mát hoặc làm ướt khăn từ vòi nước mát đắp lên những vùng có mạch máu lớn chạy qua (vùng trán, hai bên thái dương, hai hố nách, hai bên vùng bẹn) sẽ làm cho thân nhiệt giảm xuống nhanh hơn.
Ngoài việc giảm thân nhiệt bằng lau mát nên cho người bệnh mặc ít quần áo và quần, áo càng mỏng càng tốt, không đắp chăn và nên để nằm ở nơi thoáng mát. Song song với lau mát, người bệnh cần được uống nhiều nước, ngoài nước ép của quả tươi như: chanh, cam, xoài, dưa hấu… cần được uống thêm nước pha từ dung dịch ôrêzôl (0RS). Cứ một gói 0RS 27,5g (loại dùng cho người lớn) pha vào 1 lít nước đã đun sôi, để nguội và cho uống theo nhu cầu. Nếu không có điều kiện mua 0RS, có thể lấy 2 thìa gạt muối ăn (loại thìa dùng trong uống cà phê) và 8 thìa gạt đường ăn pha vào 1 lít nước đã đun sôi để nguội hoặc có thể dùng nước gạo rang, nước cháo thật loãng để uống.
Đối với bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt là NCT khi bị sốt tuyệt đối không được truyền dịch tại gia đình hoặc ở phòng khám không đủ điều kiện chăm sóc và cấp cứu. Bởi vì, về kỹ thuật truyền dịch, nhiều y tá có thể thực hiện được một cách thành thạo nhưng việc xử trí bị sốc khi truyền dịch (sốc phản vệ) không phải ai cũng giải quyết được, đặc biệt tại gia đình, tại các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Đối với NCT bị sốt mà đang bị tăng huyết áp cũng không được truyền dịch (cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định truyền dịch của Bộ Y tế). Khi thực hiện các biện pháp như vừa nêu ở trên mà thân nhiệt vẫn không thuyên giảm (dưới 380C), có thể dùng thuốc hạ nhiệt.
Có nhiều loại thuốc hạ nhiệt được bán tại các quầy thuốc tây y. Loại thông dụng nhất và tốt nhất là dùng Paracetamol đơn chất; liều lượng trung bình cho người lớn là 10mg/kg cho mỗi một lần uống và sau mỗi 4 - 6 giờ có thể dùng lại nếu vẫn còn sốt trên 380C. Cần lưu ý là trong viên Paracetamol dạng viên sủi (efferalgan) có thêm thành phần muối Bicacbonat natri, vì vậy, người bệnh bị bệnh tăng huyết áp không nên dùng.
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu
Sức khỏe & Đời sống