Nghệ An:

Bịch máu vượt 600km để cứu bệnh nhân 81 tuổi

(Dân trí) - 2 đơn vị máu sống được huy động ngay tại tỉnh, 1 chuyến xe cấp cứu đặc biệt vượt 600km cả đi và về để chuyên chở 1 đơn vị máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương Hà Nội về Nghệ An. Tất cả chạy đua với thời gian để có máu cứu bệnh nhân thiếu máu thuộc nhóm cực kỳ hiếm (Rh-B).

Ngày 15/1/2016, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Dương Thị Hưng (81 tuổi, Hưng Thông, Hưng Nguyên) nhập viện trong tình trạng mất máu rỉ rả qua đường âm đạo suốt 1 tháng qua. Qua thăm khám và siêu âm, bác sỹ khoa Sản phát hiện có thương tổn ở cổ tử cung bệnh nhân trên thể trạng bệnh nhân già yếu.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Thần Kinh, BV HNĐK Nghệ An) đang hiến máu tại Trung tâm huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Thần Kinh, BV HNĐK Nghệ An) đang hiến máu tại Trung tâm huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An.

Nhận định tình hình nguy cấp, ngày 16/1/2016, ê kíp phẫu thuật Sản khoa quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một vấn đề lớn phát sinh là bệnh nhân có nhóm máu hiếm, trong khi nhóm máu dự trữ tại Trung tâm Huyết học truyền máu Tỉnh đã không còn, phương án huy động ngân hàng máu sống được tận dụng. 2 đơn vị máu từ chị Nguyễn Thị Hạnh và Phan Thị Thùy (TP. Vinh) được khẩn trương chuyển về bệnh viện.

Mặt khác, Bệnh viện HNĐK Nghệ An liên hệ với Viện huyết học truyền máu Trung ương để đặt máu. Tuy nhiên, do nhóm máu cực kỳ hiếm, Viện cũng chỉ còn 1 đơn vị máu (250ml) của nhóm máu Rh-B. Nhận định, “giọt máu giọt vàng”, một chuyến xe cấp cứu được bệnh viện lập tức lên đường ra Hà Nội để vận chuyển máu về truyền cấp cứu bệnh nhân.

Nhớ lại buổi chiều nhận tin có bệnh nhân đang cần máu truyền cấp cứu, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh (khoa Thần kinh, Bệnh viện HNĐK Nghệ An) ngay lập tức tham gia hiến máu. Bất kể ngày nghỉ cuối tuần và tiết trời mưa phùn gió bấc, nữ điều dưỡng sẻ chia những giọt máu thuộc nhóm rất hiếm của mình để kịp thời cứu bệnh nhân.

“Bản thân là người cán bộ y tế, tôi hiểu rõ hơn ai hết, trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh-B, khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác. Khi họ cần phải truyền máu, thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó. Trước đây, khi bệnh viện phát động chương trình ngân hàng máu sống, tôi đã đăng ký danh sách, sẵn sàng cho máu để cứu sống người bệnh. Đến hôm nay, khi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tôi đang công tác, thấy bệnh nhân cần máu trong tình trạng nguy cấp vậy, không ngần ngại, tôi đăng ký hiến máu của mình. Bệnh nhân cần, cũng như bản thân tôi cần vậy. Tính mạng bệnh nhân là quan trọng nhất”. Điều dưỡng Hạnh tâm sự.

Bệnh nhân Dương Thị Hưng đang được truyền 2 đơn vị máu từ Ngân hàng máu sống Tỉnh.
Bệnh nhân Dương Thị Hưng đang được truyền 2 đơn vị máu từ Ngân hàng máu sống Tỉnh.

Chị Hoàng Thị Thủy, con gái bệnh nhân dường như bớt chút âu lo khi thấy máu được huy động kịp thời: “Mẹ tôi tuổi đã cao, thêm tâm lý e ngại khi phải đi viện nên mặc dù bị ra máu âm đạo cả tháng nay nhưng không chịu đi khám. Thêm nữa, cả đời mẹ cũng chưa bao giờ làm xét nghiệm nên gia đình không biết mẹ có nhóm máu hiếm như vậy. Khi bác sỹ thông báo cần người cùng nhóm máu hiếm như mẹ, chúng tôi hoang mang vô cùng bởi cả 7 người con, không ai cùng nhóm máu với mẹ. Tính mạng mẹ tôi rất nguy kịch nếu không được truyền đủ máu. Rất may, hai bịch máu đã kịp thời được huy động từ ngân hàng máu sống, còn 1 bịch nữa từ Hà Nội về. Gia đình tôi rất cảm kích trước tấm lòng của các nhà hảo tâm đã cho máu”.

Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi hậu phẫu tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại khoa. “Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát ổn định huyết động và mạch cho bệnh nhân. Hy vọng, bệnh nhân có thể qua giai đoạn nguy kịch thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và sản sinh hồng cầu bù đắp thêm vào lượng máu đã mất”. BS. Thái Bình Dương, khoa Hồi sức Ngoại khoa nhận định.

Hoàng Yến - Nguyễn Duy