Bí thời gian, học trò “chán” ăn sáng

(Dân trí) - Lo bài vở và để kịp đến trường nhiều học trò ở thành phố, đặc biệt là học sinh bậc THPT ít quan tâm đến bữa ăn sáng. Thói quen bỏ bê bữa sáng có thể ảnh hưởng xấu đến việc tăng trưởng cơ thể và quá trình học tập của học trò.

Nhịn hoặc ăn tranh thủ

Chở cậu con trai đến trường, người bố tên Tiến - phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) – kéo tay con để trao hộp xôi mang theo từ nhà. Thế nhưng, cậu con trai nhăn nhó: “Con đã nói không ăn, ba xách theo làm chi. Vào lớp rồi…!” rồi cậu đi thẳng vào trường.

Anh Tiến cho biết, sáng nào gia đình cũng chuẩn bị bữa sáng. Trước đây cháu ăn sáng tương đối đều nhưng rồi hôm cháu dậy muộn, để kịp đến lớp cháu bỏ ăn nên đã thành quen, nhắc đến việc ăn sáng là con trai anh khó chịu. Ông bố này đành cho con thêm tiền động viên cháu giờ ra chơi mua gì đó ăn mà không biết con có thực hiện hay không.

Nhiều học trò không có thời gian ăn sáng và cũng chưa hiểu được tầm quan trọng của bữa sáng. 
Nhiều học trò không có thời gian ăn sáng và cũng chưa hiểu được tầm quan trọng của bữa sáng. 

Tình trạng học trò thành phố nhịn ăn sáng không hề hiếm. Đầu giờ vào lớp, trước các trường ở THCS và THPT ở TPHCM không khó để thấy cảnh PH cầm đồ ăn “chưng hửng” vì bị con từ chối. Bên cạnh đó, không ít em thường xuyên ăn sáng trong tư thế “tranh thủ” như ăn vội trên đường khi bố mẹ chở đến trường, hay ăn lúc đang điều khiển phương tiện. Có em xách đồ ăn vào trường, ăn được miếng nào hay miếng đấy, không kịp thì… nhét vào thùng rác.

Em Yến Vi, HS lớp 12A4, trường THPT Trưng Vương cho biết em rất ít ăn sáng, mỗi tuần chỉ 1 - 2 bữa còn phần lớn là nhịn. Lý do bỏ ăn sáng thời gian đầu của Vi là do đêm thức học bài nên buổi sáng em dậy muộn phải đến trường cho đúng giờ, không kịp ăn. “Bỏ nhiều bữa như vậy nên sau đó dù dậy sớm em cũng rất ngại ăn sáng, có ăn chỉ ăn qua loa. Nhiều bạn trong lớp đều nhịn ăn sáng như em”, Vi nói.

Bữa sáng rất quan trọng

Mới đây, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đã thực hiện khảo sát trên 1.404 HS THPT tại TPHCM nhằm tìm hiểu khả năng nhận thức vóc dáng bản thân, thói quen ăn uống và kiến thức cơ bản về phòng chống thiếu máu của HS.

Tỷ lệ HS THPT có thói quen không ăn sáng, không ăn trưa và không ăn tối lần lượt là 17,4%, 2,6%, 2,4%. Tỷ lệ HS nội thành bỏ bữa ăn sáng chiếm đến 20,3% cao gần gấp đôi HS ngoại thành (11,7%) và vùng ven là (11,4%).

Trong đó, HS bỏ bữa chủ yếu là do không có thời gian để ăn (51,6%), số còn lại là do các nguyên nhân: thói quen bỏ bữa, biếng ăn, mệt mỏi, tiết kiệm tiền…

Tuyệt đối không bỏ ăn sáng vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và trí não.
Tuyệt đối không bỏ ăn sáng vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và trí não.

BS Trương Trọng Hoàng (Phó trưởng Bộ môn Khoa học Hành vi & Giáo dục Sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho hay bỏ bữa là một thói quen rất có hại, nhất là bữa sáng. Trải qua một đêm dài, chỉ đến khoảng 9 giờ sáng là cơ thể hết năng lượng dẫn đến giảm sút việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe vì mất cân bằng dĩnh dưỡng. Vì thế cần bữa sáng để cung cấp năng lượng, khích thích hệ thần kinh tăng cường trí não giúp cho việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả hơn”

Theo BS Hoàng, việc ăn sáng thật ra không quá phức tạp. Nếu không kịp ăn ở nhà, các em HS có thể mang theo chiếc bánh ít đường, hộp sữa ăn vào giữa giờ, tiếp năng lượng kịp thời. Ngoài ra cũng không được bỏ các bữa khác mà phải đảm bảo đủ các dinh dưỡng chính gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và chất xơ.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho hay, HS THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành với sự tăng trưởng nhanh về thể chất. Tuy nhiên, vấn đề ăn uống dinh dưỡng lứa tuổi này thường ít được quan tâm hơn so với trước. Các em cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về dinh dưỡng hợp lý và PH có con trong độ tuổi này cũng ít quan tâm đến chế độ ăn của con, vì cứ nghĩ con mình đã lớn, có thể tự lo cho bản thân.

Bà Diệp nhấn mạnh, HS cần ăn đủ bữa (sáng, trưa, chiều), nhất là buổi sáng để có năng lượng học tập. Người lớn ăn sáng để dùng năng lượng làm việc, còn lứa tuổi HS cần cho học tập và phát triển cơ thể, vui chơi vận động.

Hoài Nam