1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bị sán lá gan do ăn gỏi cá

(Dân trí) - Mới đây, Bệnh viện Xanh Pôn tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân bị tắc mật cấp, viêm hoại tử túi mật do sán lá gan nhỏ nằm trong lòng đường mật gây viêm tắc ống mật chủ. Theo lời kể, thỉnh thoảng bệnh nhân có ăn gỏi cá.

Đó là ông Nguyễn Văn H. (nam, 82 tuổi, sống ở Sóc Sơn, Hà Nội). Trước đó 1 tuần, ông bị sốt cao, tức nặng vùng gan tăng dần, ăn uống kém, kèm theo có vàng da vàng mắt, đi tiểu sẫm màu. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định.

 

Đường đi của sán lá gan

 

Sán lá gan nhỏ khi cư trú ở trong lòng đường mật của người hoặc một số động vật khác như chó, mèo… sẽ đẻ ra trứng, trứng sán theo dịch mật xuống ống tiêu hoá rồi thải ra ngoài theo phân.

 

Gặp môi trường nước, trứng sán nở thành ấu trùng có lông rồi vào ốc, sau 20 đến 30 ngày, ấu trùng có lông phát triển thành ấu trùng có đuôi. Ấu trùng có đuôi xâm nhập vào cá tạo thành nang ấu trùng và chủ yếu cư trú ở trong cơ cá.

 

Người ăn phải thịt cá chưa chín có chứa nang ấu trùng, vào ống tiếu hoá sẽ thoát nang để trở thành ấu trùng. Sau khoảng 15 giờ, ấu trùng xuyên qua thành ruột non để vào gan, rồi từ gan vào trong lòng đường mật, hoặc ấu trùng trực tiếp từ ống tiêu hoá lên đường mật. Tại đường mật, ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành, sau khoảng 26 ngày có thể tiếp tục đẻ trứng.

 

Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm sán lá gan đang khá cao. Người chỉ mắc bệnh sán lá gan nhỏ khi ăn phải các loại cá nước ngọt chưa được nấu chín có chứa nang ấu trùng như cá mè, cá diếc, cá trắm, cá trôi, cá rô phi….

 

Biểu hiện lâm sàng

 

Sán lá gan nhỏ gây tổn thương nhu mô gan rất nặng như viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan. Trong đường mật, miệng hút của sán bám sâu vào thành đường mật gây tình trạng viêm loét đường mật, tắc đường mật, viêm loét và hoại tử túi mật.

 

Tùy theo mức độ nhiễm, vị trí nhiễm và phản ứng của cơ thể mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:

 

Giai đoạn khởi phát: các triệu chứng nghèo nàn và không đặc hiệu. Biểu hiện chủ yếu là rối loạn tiêu hoá như ăn uống kém, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón. Có thể kèm theo đau tức nặng vùng gan, nổi ban ngoài da. Xét nghiệm máu thấy tăng số lượng bạch cầu ưa acid.

 

Giai đoạn toàn phát: các triệu chứng rõ rệt hơn về tổn thương gan và đường mật do nhiễm sán. Tuy nhiên, thường hay chẩn đoán nhầm với các bệnh cảnh gan mật khác. Người bệnh có biểu hiện sút cân, phù hai chi dưới sau đó phù toàn thân, thiếu máu, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá, đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da vàng mắt… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

 

Năm 1908, Mouzel là người đầu tiên tìm thấy bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan ở Việt Nam. Đã có thời gian, khoảng 50% người dân ở một số vùng đồng bằng chiêm trũng mắc bệnh.

 

Cách phòng bệnh tốt nhất là chỉ ăn cá sau khi đã đảm bảo nấu chín, đặc biệt không nên ăn gỏi cá.

 

BS Trần Văn Phúc

Bệnh viện Xanh Pôn