Bí mật của hoóc môn
(Dân trí) - Hoóc môn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ nhưng bạn biết gì về chúng?
1. Các dạng hoóc môn chính?
Có hoóc môn tuyến yên, tuyến giáp, thượng thận và sinh dục, tương ứng với các tuyến kiểm soát cơ thể. Mỗi loại hoóc môn quyết định hình thái học, tính cách cũng như những điểm mạnh và yếu của mỗi chúng ta.
2. Những dấu hiệu của mãn kinh?
Dấu hiệu đầu tiên khi không dùng thuốc tránh thai, đó là kinh nguyệt không đều và có những thay đổi. Nếu đang dùng thuốc thì nên làm các xét nghiệm hoóc môn, vừa giúp phụ nữ có lựa chọn thích hợp về thuốc tránh thai, vừa có các thông tin chính xác về những thay đổi hoóc môn.
3. Phụ nữ sau khi sinh không thể giảm cân là do hoóc môn?
Sai. Phụ nữ có thể giảm cân chỉ vài tuần sau khi sinh, nhưng theo cách tự nhiên, không nên quá lo lắng để có chế độ kiêng khem hoặc tập luyện thái quá. Tốt nhất là sau khi sinh nên chú ý để có một chế độ ăn đủ protein, hoa quả và rau xanh cũng như glucid.
4. Hoóc môn quy định tính cách từ nhỏ?
Đúng vậy. Tính cách của con người chịu ảnh hưởng của tỷ lệ các hoóc môn lưu thông trong máu.
5. Tình dục liên quan đến hoóc môn?
Chính xác. Tình dục chịu sự chi phối của tâm lý (50%) và hoóc môn (50%). Ngoài ra cũng phải tính đến mức độ đam mê với bạn tình cũng như những ảo ảnh của mỗi người.
6. Các vấn đề về tuyến giáp chỉ gặp ở phụ nữ? Những dấu hiệu báo trước?
Không, vấn đề này gặp cả ở phụ nữ lẫn đàn ông. Các bệnh liên quan đến tuyến giáp có thể là do di truyền, nhưng cũng có thể do các tác nhân bên ngoài vì các nhà khoa học nhận thấy sau vụ nổ hạt nhân Tchernobyl, lượng người bị ung thư tuyến giáp tăng lên đáng kể.
Điều quan trọng là cần có những chẩn đoán sớm. Các dấu hiệu trước thường gặp đó là mệt mỏi và suy nhược, đau mình mấy.
7. Sau mãn kinh, xuất hiện nhiều lông trên mặt là do hoóc môn?
Khi mãn kinh, một số hoóc môn nữ ngừng hoạt động, dẫn tới sự mọc lông trên mặt, rụng tóc, da sần sùi. Điều trị hoóc môn thay thế có thể giúp giải quyết các vấn đề đó nhưng phải có ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.
8. Tại sao một số phụ nữ có tính khí thất thường hơn người khác?
Nguyên nhân có thể là do một số thành phần hoóc môn, đặc biệt là các hoóc môn thượng thận hoặc các hoóc môn tiết ra không cân đối. Ngoài ra, cũng còn phụ thuộc vào nền giáo dục được hưởng cũng như khả năng kiểm soát các xung năng.
9. Ung thư vú là do gia đình hay hoóc môn?
Do cả hai. Cần phải cảnh giác nếu trong gia đình có bà hoặc mẹ, dì từng bị ung thư vú và trong trường hợp này, cần phải tránh các điều trị hoóc môn thay thế, nhất là khi mãn kinh.
10. Tại sao phụ nữ có xu hướng tăng cân hơn đàn ông?
Đó là do hoóc môn. Buồng trứng tiết ra hoóc môn foliculin, thúc đẩy sự tăng cân và các xung năng thèm ăn.
11. Tác dụng hoóc môn tăng trưởng ở trẻ?
Nếu được ngủ ngon, hoóc môn tăng trưởng sẽ tiết ra bình thường và khi không ngủ đủ, nó sẽ bị phong toả.
12. Hoóc môn ảnh hưởng đến chất lượng của tóc khi mang thai?
Điều đó tuỳ thuộc vào giới tính của đứa trẻ. Nếu đó là con gái, thì tóc của bà mẹ thường trở nên sáng và mềm mại hơn do có nhiều hoóc môn nữ được tiết ra.
13. Những thời kỳ thay đổi hoóc môn ở phụ nữ?
Tuổi dậy thì, đời sống tình dục (bao gồm cả thời kỳ mang thai) và mãn kinh.
14. Stress có hại cho hoóc môn?
Stress rất có hại cho hoóc môn vì tất cả hoóc môn đều chịu sự kiểm soát của vùng dưới đồi (hypothalamus). Vùng dưới đồi tác động lên tuyến yên, chỉ huy toàn bộ tuyến nội tiết. Điều đó giải thích rằng stress, các trạng thái tình cảm và sự mất ngủ ảnh hưởng trực tiếp lên việc tiết các hoóc môn.
Trong mọi vấn đề của cuộc sống: lao động, tình cảm, hay gia đình, cần tránh căng thẳng tới mức tổi thiểu vì stress gây ra rối loạn hoóc môn.
Ngọc Nhàn
Theo Elle