Bị mắng “te tua” vì đưa phong bì cho bác sĩ

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, tôi có bị viêm họng vài lần. Bệnh nghề nghiệp mà. Giáo viên mà vừa giảng vừa ho thì thật tội nghiệp cho học trò. Tôi liền đến bệnh viện khám chữa bệnh với quyết tâm “trị cho đứt nọc”.

Bị mắng “te tua” vì đưa phong bì cho bác sĩ

Người chữa bệnh cho tôi là một nữ bác sĩ có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn. Chị đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm không chỉ ở gương mặt hiền lành và nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi mà chị chính là hiện thân của một vị “lương y như từ mẫu”.

Trước hết, tôi khâm phục tài năng chuyên môn của chị, chỉ trong thời gian rất ngắn đã chữa khỏi bệnh cho tôi và cho rất nhiều bệnh nhân mà tôi chứng kiến. Ai cũng bảo chị “mát tay”. Nhưng điều tôi ngưỡng mộ nhất ở chị là nhân cách nghề nghiệp, một người dám nói “không” với phong bì ở thời buổi này.

Chả là, trong lúc tôi chữa bệnh, có một nữ bệnh nhân đã gọi cả phòng bệnh chúng tôi lại “hội ý kín” và tất cả đi đến thống nhất sẽ chung nhau một phong bì, mỗi người một ít tiền để “cho phải phép” (như đài báo đã nói ra rả lâu nay). Nhưng người đầu tiên thay mặt cả phòng đi đưa phong bì chỉ một loáng đã chạy về với nét mặt buồn thiu: “Bị chê...” Mấy bệnh nhân lại nhao nhao: “Hay là chê ít?” và rồi tất cả lại bóp bụng đóng góp thêm.

Và rồi, người đại diện thứ hai cầm phong bì đi, chỉ mấy phút sau cũng lại cầm phong bì chạy về với nét mặt vô cùng bức xúc :

- Vẫn bị chê...! Mà lần không những bị chê mà còn bị mắng te tua nữa!”

- Răng lạ rứa...?

Rồi chẳng ai nói với ai, chúng tôi chỉ biết thầm cám ơn số phận đã cho chúng tôi gặp được những vị y bác sĩ, hộ lí ở đây. Họ đã hết lòng phục vụ bệnh nhân với một thái độ chân tình cởi mở y như người nhà. Còn tôi, vì quá cảm phục, biết ơn vị bác sĩ tài năng đã chữa cho mình nhanh khỏi bệnh nên lúc ra về, tôi đã vào phòng chị và cám ơn bằng một phong bì của riêng tôi. Lúc đó, trong phòng chỉ có tôi và chị nhưng chị đã trả ngay phong bì cho tôi:

- Cô đừng làm vậy. Đây là bổn phận của người thầy thuốc chúng tôi mà. Được phục vụ người bệnh chính là hạnh phúc của chúng tôi.

Rồi bằng nét mặt rạng rỡ vui tươi, chị ân cần dặn dò tôi cách phòng ngừa bệnh tái phát và chúc tôi mạnh khỏe, công tác tốt. Tôi vẫn thấy lòng mình áy náy vì hôm đó là ngày lễ, chúng tôi được nghỉ đi chơi mà chị thì vẫn túc trực đêm ngày. Cho nên, tôi đã chạy ra ngoài mua vội mấy kí hoa quả vào để tạ ơn người thầy thuốc có tấm lòng nhân hậu ấy. Thật không ngờ, chị đã nhận ngay lập tức và đem chia đôi, một nửa đem cho đồng nghiệp ở phòng trực, còn một nửa mang sang phòng bệnh nhân để chia vui với tôi được xuất viện.

Ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi về người thầy thuốc đáng kính ấy và muốn viết ngay về chị. Tôi lại chạy vào để hỏi thêm thông tin về cá nhân chị nhưng chị cứ gạt đi, không nói.

Hôm nay, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi muốn gửi tới chị và những người làm nghề Y lòng kính yêu và biết ơn vô hạn. Qua bài viết này, tôi cũng muốn chia sẻ mọi người một thông điệp: Cuộc sống này quả thật đáng sống nếu như trong xã hội chúng ta có thật nhiều những con người như chị - Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện C thành Phố Đà Nẵng.

Ngày 25/2/2014

Phạm Thị Phong

Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng