Bi kịch từ thuốc... bổ
(Dân trí) - Sự việc em chết, chị nguy kịch sau khi dùng thuốc bổ mẹ mua khiến không ít người giật mình bởi sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vốn đã thành thói quen của nhiều người.
Không biết những viên thuốc tròn nhỏ làm bằng gì, nguồn gốc ra sao nhưng nghe người bán thuốc nói uống vào sẽ kích thích bé ăn ngon, chị T (Hải Hậu, Nam Định) đã mua cho ba con uống. Nhưng lên cân đâu chẳng thấy, đến ngày thứ 10 kể từ viên thuốc đầu tiên, 3 con chị đều đồng loạt kêu đau bụng. Gia đình đưa 3 bé tới bệnh viện Nhi TƯ khám và bé trai nhỏ nhất đã tử vong. Hai đứa còn lại được chuyển qua Trung tâm Chống độc, rồi sang Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đêm 20/11.
Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt, mà thời gian gần đây, khoa Thần kinh bệnh viện Nhi TƯ cũng tiếp nhận hơn 10 trường trường hợp trẻ đến khám trong tình trạng bị ngộ độc chì, có cả ngộ độc chì cấp và ngộ độc chì mãn tính.
“Điều tra hồi cứu từ cha mẹ các cháu thì thấy, hai loại thuốc mà các cháu được cha mẹ mua dùng phổ biến nhất là thuốc cam chữa loét miệng, bôi vết hăm và thuốc nam (chủ yếu loại cô thành viên) không rõ nguồn gốc”, một bác sĩ điều trị tại Trung tâm chống độc chia sẻ.
Cá biệt, một trường hợp còn rất nhỏ là bé trai 2 tháng tuổi sau khi được mẹ bôi “thuốc cam” chữa tưa lưỡi, bé lên cơn co giật rồi rơi vào hôn mê sâu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị nhiễm độc chì nặng, với hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL, thuốc bột màu cam mà mẹ bé mang theo có 10% hàm lượng chì. Ngay sau đó, bé được chuyển qua Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và đã trải qua gần 2 tuần điều trị, đến nay bé có thể ăn sữa, bú mẹ và tự thở được, nhưng bác sĩ chưa thể đưa ra đánh giá tới sự phát triển trí tuệ của em sau này do bị ngộ độc chì nặng.
Cực độc với thần kinh
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khẳng định, ngộ độc chì ở trẻ phổ biến nhất là do sử dụng các loại thuốc nam dạng bột, viên để bôi lên miệng, vòm lưỡi nhằm chữa triệu chứng loét miệng. Trong khi đó, các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, được chế biến không an toàn có thể nhiễm kim loại (đặc biệt là nhiễm chì) và nếu sử dụng để bôi lên miệng, lưỡi thì nguy cơ gây ngộ độc cấp rất cao.
Như trường hợp của bé Đặng Ngọc T. (4 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) hiện vẫn đang theo dõi ngoại trú tại Trung tâm chống độc. Đã 4 tuổi nhưng T. nhìn chỉ như đứa trẻ lên 2 cũng bởi bị ngộ độc chì. Ngay từ khi 1 tháng tuổi, bé đã bị hăm mông và tưa lưỡi nên mẹ mua “thuốc cam” ở chợ gần nhà để bôi liên tục trong nhiều năm.
“Ngộ độc cấp chì cấp hay ngộ độc chì mãn tính đều rất nguy hiểm. Ngộ độc cấp (nhiễm độc thần kinh, tổn thương thận, hệ tiết niệu (đái ra máu)) đã nguy hiểm nhưng ngộ độc mãn tính càng nguy hiểm hơn. Bởi chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãncó thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục”, TS Duệ nói.
Như trường hợp của bệnh nhi 5 tuổi ngộ độc chì vì uống thuốc nam chữa động kinh được điều trị tại Trung tâm Chống độc trước đó. Bé bị động kinh nhẹ, điều trị tây y ổn định, bé nhận thức bình thường, vẫn đi mẫu giáo… nhưng thỉnh thoảng cháu vẫn có cơn giật nhẹ. Muốn con khỏi hoàn toàn nên người nhà đã cho uống thuốc nam. Chỉ một thời gian sau, từ nhanh nhẹn,bé trở thành đứa trẻ nhận thức chậm, không nhận ra người thân quen…. Qua hơn một năm điều trị, chì được thải độc khỏi cơ thể bénhưng những di chứng về thần kinh(nhận thức kém) thì không thể phục hồi.
Theo TS Phạm Duệ, số bệnh nhi nhiễm độc chì từ thuốc nam có thể nhiều hơn vì việc dùng thuốc nam chữa bệnh cho trẻ nhỏ khá phổ biến. Trung tâm cũng đã từng về tận nơi bán thuốc cam mà bệnh nhân cho địa chỉ mua và mang về xét nghiệm thì thấy trong thuốc có hàm lượng chì cao. “Tôi không phủ nhận vai trò của thuốc nam. Thuốc nam nếu chữa đúng thuốc, đúng bệnh cũng rất tốt. Tuy nhiên đừng bao giờ tùy tiện sử dụng thuốc của thầy lang vườn bởi đó thường những loại thuốc tự pha chế, thiếu kiến thức chuyên môn...”, TS Duệ cảnh báo.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, cha mẹ nên rất thận trọng khi cho con dùng các loại thuốc để con ăn khỏe, không tùy tiện sử dụng các loại thuốc bổ, nhất là thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Bởi trên thị trường có nhiều loại thuốc gia truyền, nhưng phần lớn là không rõ nguồn gốc và rất có thể do trong quá trình sản xuất không đảm bảo mà thuốc bị nhiễm kim loại nặng (như chì, arsen...), bằng mắt thường không thể nhận biết được.
Hồng Hải