Bi hài trục lợi BHYT: Uống gần 300 viên, tuýp thuốc trong ngày mà…vẫn sống

(Dân trí) - Qua 4 tháng đầu năm 2017, gần 2.800 người có số lượt khám bệnh trung bình từ 50 lần, có trường hợp đi khám 123 lần. Trước thực tế này, BHXH VN sẽ tạm dừng hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ BHYT, thu thẻ BHYT của cá nhân trục lợi.

Một ngày uống gần 300 viên, tuýp thuốc khác nhau vẫn …sống

Kết quả giám định bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội VN vừa công bố chiều 23/5 tại Hà Nội, cho thấy nhiều câu chuyện nực cười và có dấu hiệu rõ nét trục lợi BHYT.

Ngoài số gần 2.800 người có thẻ BHYT nêu trên với tổng số lượt khám hơn 160.000 (bất kể ngày cuối tuần, lễ và Tết), đại diện BHXH VN còn chia sẻ nhiều ví dụ cụ thể.

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cơ quan này còn phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền trên 7,7 tỉ đồng.


Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN (Ảnh: Hà Phương)

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN (Ảnh: Hà Phương)

Một số trường hợp được BHXH VN đơn cử nhưng vì lý do cá nhân, tạm thời chưa công bố tên đầy đủ của đối tượng.

Trường hợp ông Nguyễn Văn N, thuộc diện đối tượng nghèo ở Sóc Trăng, đã khám bệnh, sử dụng điện châm và chiếu hồng ngoại 95 ngày tại trạm y tế xã với số tiền 11 triệu đồng.

Hay như trường hợp của bà Mã Bửu Ng, đối tượng bảo trợ xã hội tại TP HCM, đã tới khám 57 lần ở 13 cơ sở y tế. Tổng chi phí lên tới gần 40 triệu đồng.

Truy vết lịch sử khám bệnh của bà Mã Bửu Ng, cơ quan BHXH phát hiện bà thường xuyên đi khám 2-3 lần/ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn TP HCM, được chỉ định nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý xương khớp, bệnh lý tiết niệu, bệnh lý mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang…

Nực cười hơn, trường hợp ông Nguyễn Văn H (đối tượng hưu trí ở TP HCM) đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế. Tổng chi phí hết hơn 30 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày ông H. khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp.

Cơ quan BHXH VN thống kê, từ ngày 9/1 đến 16/5, ông Nguyễn Văn H đã được cấp 2 lần Aprovel 2 lần với 42 viên, 6 lần cấp thuốc Procaralan với tổng số hơn 230 viên, 1 lần cấp thuốc Simbicort 2 tup tại 2 cơ sở y tế trong vòng 1 ngày.

Nhận xét về trường hợp trên với khoảng gần 300 viên thuốc và tuýp thuốc đủ các loại dùng trong 1 ngày, ông Dương Tuấn Đức hài hước: “Nếu bệnh nhân dùng hết số thuốc này mà vẫn… sống thì có thể trở thành sự kiện lớn của ngành y tế!”.

Ông Dương Tuấn Đức cũng đặt vấn đề: Tại sao những bệnh nhân điều trị mãi mà bệnh không đỡ lại không được chuyển lên tuyến trên? Phải chăng có tình trạng lạm dụng chỉ định tại cơ sở y tế?

Dừng hợp đồng khám chữa bệnh, thu lại thẻ BHYT?

Cùng chung nỗi lo lắng trên, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH VN) cho biết, đã xuất hiện hiện tượng “cắt nát” bệnh nhân tại một số bệnh viện để chi dịch vụ thanh toán với BHYT.

“Trên 1 phim chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương chẳng chân, xương gót, nhưng nhiều bệnh viện đã yêu cầu BHXH thanh toán 3 dịch vụ khác nhau: chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân…” - ông Lê Văn Phúc đơn cử.

Ngoài ra, việc lạm dụng số bệnh nhân khám. Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết tình trạng khám 100 bệnh nhân/bàn khám diễn ra khá phổ biến ở các bệnh viện. “Trong khi đó, quy định chỉ cho phép một bàn chỉ khám 35 bệnh nhân/buổi khám, tối đa là 45 bệnh nhân.

Ngoài ra, việc tình trạng cơ sở y tế lấy bác sĩ đông y để khám bệnh nội khoa do quá đông bệnh nhân. Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT chua chát: Với số lượng khám lớn như vậy thì chất lượng không đảm bảo, người bệnh hứng chịu. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì người bệnh sẽ thiệt thòi.

Trước tình trạng trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi có thể gây lạm dụng tràn lan trong tương lai, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN cho biết, cơ quan này đang cân nhắc tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ BHYT, thậm chí thu hồi thẻ BHYT của những cá nhân có biểu hiện trục lợi.

“BHXH VN đang kiến nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời BHXH Việt Nam sẽ thành lập các đoàn thanh tra việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các địa phương. Nếu phát hiện sẽ kiên quyết áp dụng hình thức xử lý cao nhất” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Hoàng Mạnh