1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị đá bóng trúng vùng “nhạy cảm”, thanh niên 18 tuổi bị hoại tử tinh hoàn

(Dân trí) - Bị thương vùng dưới trong lúc chơi đá bóng, song nam thanh niên ở Hà Nội không đi khám ngay. Đến lúc vào viện thì đã quá muộn, một bên tinh hoàn đã bị hoại tử.

Theo lời kể của bệnh nhân, cậu bị chấn thương trong lúc chơi đá bóng nhưng lúc đầu chỉ thấy hơi sưng tinh hoàn. Nghĩ chỉ bị nhẹ nên cậu chủ quan không đi khám. Hai ngày sau, tình trạng đau tăng dần cậu mới đến viện kiểm tra thì đã muộn.

Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, chàng trai trẻ vào viện trong tình trạng tinh hoàn đau dữ dội. Một bên tinh hoàn đã bị hoại tử, không thể cứu vãn, bác sĩ buộc phải cắt bỏ. Lý do chỉ vì đến viện quá muộn.

Bị đá bóng trúng vùng “nhạy cảm”, thanh niên 18 tuổi bị hoại tử tinh hoàn - 1
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính.

Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn, gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn. Nam giới chỉ còn một bên tinh hoàn, nhu cầu sinh lý không thay đổi tuy nhiên khả năng có con giảm ít nhất một nửa.

Theo bác sĩ Việt, tình trạng xoắn tinh hoàn hay xảy ra ở thanh thiếu niên 10-25 tuổi. Chưa rõ nguyên nhân chính xác của bệnh, song xoắn tinh hoàn có thể do chấn thương, bị viêm, sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì...

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng hoại tử, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát... Điều trị trước 6 giờ, tỷ lệ thành công lên đến 90-100%. Tuy nhiên sau 12-24 giờ (từ khi có triệu chứng) thì chỉ có 10% khả năng cứu được, nguy cơ cao phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn.

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.

Tại Trung tâm Nam học, Bệnh Việt Đức (Hà Nội) mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán. Tuy nhiên tỷ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp 5%. Phần lớn các trường hợp đến muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu.

Khám trên lâm sàng bác sĩ có thể thấy tinh hoàn sưng nhẹ, đỏ ửng. Tinh hoàn treo cao và có thể nằm ngang nếu so sánh với tinh hoàn bên đối diện. Khi nâng tinh hoàn lên bệnh nhân thấy đau nhiều hơn…

Vì thế, nam giới nếu có biểu hiện đau tinh hoàn đột ngột, không sốt, không đái buốt, đặc biệt dưới 18 tuổi chưa có quan hệ tình dục, tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện... cần đến bệnh viện khám ngay.

Trường hợp bệnh nhân đến sớm trước 6 giờ có thể tiến hành mổ cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong quá trình chờ có thể tháo xoắn bằng tay, kiểm tra lại bằng siêu âm doppler đánh giá sự phục hồi lưu thông mạch máu.

Nếu đến muộn, tinh hoàn đã tím đen hoại tử không có khả năng bảo tồn thì phải cắt tinh hoàn, cố định tinh hoàn bên đối diện tránh xoắn. Một tháng sau mổ bệnh nhân có thể được phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo.

Nếu bệnh nhân từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.

Hà An