Bị chó nhà cắn, bé trai 2 tuổi phát bệnh dại

Tú Anh

(Dân trí) - Sau khi bị chó nhà cắn vào vùng cổ và cằm, bé trai được gia đình rửa vết thương và không đi tiêm vaccine. Sau đó, bệnh nhi xuất hiện cơn sốt, biểu hiện bất thường, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Ngày 8/6, TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, khoa đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước thời điểm nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm.

Bị chó nhà cắn, bé trai 2 tuổi phát bệnh dại - 1

Bệnh dại tỉ lệ tử vong gần như 100% (Ảnh minh họa: Bệnh viện).

Sau khi bị chó cắn, gia đình đã rửa vết thương bằng xà phòng nhưng không đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS Nam cho biết, bệnh nhi nhập viện ngày 31/5 trong tình trạng sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn.

Kết quả xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại.

Bệnh nhi đã được dùng thuốc vận mạch, điều trị và hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu nguy cơ tử vong cao.

Theo TS Nam, hàng năm, Trung tâm vẫn tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc bệnh dại. Đa số, các trường hợp trẻ khi bị chó cắn đều chưa được tiêm phòng do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, phần lớn do cha mẹ chủ quan, cho rằng chó nhà cắn nên không nguy hiểm; tại thời điểm cắn chó vẫn bình thường; e ngại tiêm vaccine phòng dại... Hay một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

TS Nam khuyến cáo, bất cứ trường hợp nào nếu không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời.

Bởi bệnh dại khi đã lên cơn, nguy cơ tử vong gần như 100%. Trong khi đó, căn bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị dự phòng bằng tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm