1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị bỏ quên hơn 30 năm, vòng tránh thai đi lạc vào ổ bụng

Hà An

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân 66 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy vòng tránh thai được đặt từ hơn 30 năm trước đã đâm xuyên thành tử cung vào ruột non.

Bệnh nhân (66 tuổi, Hải Dương) vào viện cấp cứu trong tình trạng chướng bụng, đau bụng dữ dội. Kết quả chụp cắt lớp vi tính tiểu khung cho thấy hình ảnh dụng cụ tránh thai lạc chỗ khoảng 1/3 chiều dài, găm trong cơ tử cung, 2/3 nằm trong tiểu khung liền sát với quai ruột non lân cận, dịch và khí tự do ổ bụng.

Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa sản - ngoại kết luận bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng ruột non, dụng cụ tử cung lạc chỗ trong ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương.

Bị bỏ quên hơn 30 năm, vòng tránh thai đi lạc vào ổ bụng - 1

Khi đặt vòng tránh thai, chị em cần lưu ý đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường (Ảnh minh họa: Health).

Quá trình phẫu thuật các bác sĩ quan sát thấy ổ bụng bẩn có dịch đục, thức ăn, thân tử cung mặt trước có dụng cụ tử cung dạng vòng số 8 (1/3 vòng cắm trong cơ tử cung 2/3 vòng nằm ngoài tử cung), quai ruột non vị trí sát thân tử cung rách ngang kích thước khoảng 2cm, đang thoát dịch tiêu hóa.

Các bác sĩ đã lấy dụng cụ tử cung trên cơ tử cung, khâu phục hồi cơ tử cung, lỗ thủng ruột non, cầm máu, lau rửa và đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau phẫu thuật 24 giờ, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được theo dõi sát quá trình hồi phục.

BSCKI Nguyễn Thanh Hưng, khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, trường hợp bệnh nhân này do đặt vòng tránh thai nhiều năm nhưng không kiểm tra nên không phát hiện được vòng đã ăn sâu vào cơ tử cung, xuyên qua cơ tử cung vào ổ bụng gây thủng ruột non, viêm phúc mạc.

Việc phẫu thuật loại bỏ dị vật kịp thời giúp bệnh nhân tránh nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh như viêm phúc mạc toàn thể, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng.

Đa số phụ nữ lựa chọn phương pháp đặt vòng tránh thai bởi khả năng sử dụng lâu dài, quá trình đặt vòng đơn giản, ít gây hại cho cơ thể, chi phí thấp.

Theo BSCKI Tô Thị Kim Quy, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bãi Cháy, một số trường hợp có thể gặp biến chứng sau đặt dụng cụ tử cung như đau bụng hạ vị nhiều, ra máu âm đạo kéo dài, viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung… và đặc biệt là dụng cụ tử cung lạc chỗ.

Dưới sự co thắt tự nhiên của tử cung, dụng cụ tử cung có thể di trú khỏi vị trí được đặt ban đầu, có thể bị tống xuất ra ngoài qua cổ tử cung hoặc di chuyển lên trên, xuyên qua lớp cơ tử cung.

"Tỷ lệ nhỏ sau khi xuyên qua tử cung, dụng cụ tử cung có thể rơi tự do vào ổ bụng hoặc nằm trong khung chậu, có thể xuyên thủng ruột non, đại tràng, trực tràng gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng…

Nó cũng có thể nằm trong mạc treo hoặc trong mạc nối lớn, có thể xuyên thủng bàng quang hoặc niệu quản… gây tiểu máu, nhiễm khuẩn tiết niệu…", BS Quy cho biết.

Các triệu chứng của vòng tránh thai lạc chỗ rất đa dạng, tùy thuộc vào thời gian và cơ quan dụng cụ di chuyển. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là đau bụng vùng hạ vị, sốt; tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa; một số trường hợp có thể gặp tắc ruột, hoại tử ruột.

Khi có tổn thương niệu quản, bàng quang có thể gặp các triệu chứng tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu máu, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần…

Dụng cụ tử cung lạc chỗ là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên biến chứng và hậu quả của nó để lại có thể rất nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng.

Để hạn chế các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện các thủ thuật đặt dụng cụ tử cung và kiểm tra định kỳ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi áp dụng biện pháp tránh thai là dụng cụ tử cung, chị em nên khám định kỳ 6 tháng/lần và khám ngay khi có bất thường như đau bụng hạ vị và hai hố chậu, ra dịch bất thường âm đạo.