Béo tập luyện không giảm cân có nên phẫu thuật thu nhỏ dạ dày?
(Dân trí) - Xin hỏi bác sĩ, chị gái tôi cao 1m50, nặng 60kg. Chị cũng vật lộn tập thể dục nhưng không hiệu quả, không giảm cân. Liệu chị tôi có nên phẫu thuật cắt dạ dày, thu nhỏ dạ dày để giảm độ thèm ăn, không lo thừa cân? (Hồng Minh - Vĩnh Phúc)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng trả lời:
Với cân nặng của chị gái bạn, tôi tính chỉ số BMI là 26,6. Với chỉ số này có thể nói ở mức tiền béo phì, béo phì ở mức độ nặng. Tôi cho rằng với cân nặng như hiện tại, việc tập luyện, điều chỉnh chế độ ăn có thể giảm cân. Có thể do chị bạn tập luyện, ăn uống chưa đúng cách nên chưa giảm được cân nặng.
Còn với phương pháp phẫu thuật dạ dày chỉ áp dụng khi các phương pháp giảm béo khác như tập luyện, kiểm soát chế độ ăn không thành công. Bản chất của phương pháp này là thắt đai dạ dày, làm dạ dày nhỏ lại nhờ vậy sẽ ăn ít đi, nhờ vậy sẽ giảm cân.
Đây là phương pháp toàn nhưng bất cứ phương pháp nào cũng có tác dụng phụ. Ví dụ phẫu thuật dù nhỏ nhất nhưng cũng có thể có nguy cơ biến chứng gây mê, gây tê ở những người mẫn cảm. Vì thế, phương pháp này không chỉ định đại trà, chỉ áp dụng cho những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên, người tiểu đường, người béo phì có cơn ngừng thở khi ngủ.
Với cân nặng của chị bạn, việc thắt đai dạ dày là không cần thiết. Chị bạn có thể kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn thấp năng lượng, đủ chất dinh dưỡng, vận động.
Nếu mày mò tự luyện tập không thành công, hãy tập luyện cùng với huấn luyện viên để có động lực, đúng kĩ thuật. Chi phí thuê huấn luyện viên rẻ hơn rất nhiều so với chi phí một ca phẫu thuật.
Để tránh béo phì, cần duy trì chế độ ăn lành mạnh và tăng cường vận động thể lực, ít nhất 30 phút/ngày, giữ lối sống năng động.
Nên tránh tất cả các thực phẩm có nhiều chất béo, nhiều cholesterol. Tăng cường sử dụng gluxit có nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ... Cần chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất.
Tăng cường rau xanh 400g/ngày, quả chín 100-300g/ngày. Hạn chế muối ăn nên < 5g/ngày. Uống nhiều nước và nên tránh các thức ăn giàu năng lượng như đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều đường...
Mỗi người cũng nên tự tính chỉ số BMI để đánh giá tình trạng béo phì của mình. Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng của bạn (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét hoặc cm). Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg. Với người Việt Nam, chỉ số BMI trên 23 là mức độ thừa cân.
Hồng Hải (ghi)