1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện tuyến huyện: Lo ngại chất lượng đào tạo

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở tuyến huyện, các địa phương tăng cường cử người đi học. Nhưng xem ra giải pháp này vẫn còn gây tranh cãi.

  

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bồng Sơn (Bình Định) - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bồng Sơn (Bình Định) - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

 

Theo nhiều chuyên gia, trình độ của các bác sĩ chuyên tu hay đào tạo theo hợp đồng không đủ để giải quyết các vấn đề chuyên môn. Điều cốt yếu là phải có một chính sách hiệu quả trong việc thu hút các bác sĩ hệ chính quy về công tác tại tuyến cơ sở.

 Băn khoăn hệ chuyên tu

 

Chỉ riêng tại Trường ĐH Y dược TPHCM, hằng năm ngoài đào tạo bác sĩ hệ chính quy, nhà trường còn tổ chức thêm các hệ đào tạo bác sĩ đa khoa khác để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đang đòi hỏi rất lớn. Năm 2012, trường dành 100 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo hệ liên thông. Đối tượng tuyển sinh là các y sĩ đa khoa đang công tác tại các cơ sở y tế và được sở y tế các địa phương cử đi học. Theo PGS.TS Lý Văn Xuân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, mục tiêu của trường là đào tạo bác sĩ đa khoa thực hành làm việc ở tuyến y tế cơ sở (xã, huyện).

 

PGS.TS Lý Văn Xuân còn cho biết theo đề nghị của Bộ Y tế, nhà trường mở các khóa đào tạo bác sĩ đa khoa hệ liên thông tại Đà Nẵng từ năm 2011 cho đội ngũ cán bộ y tế các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (60 sinh viên/năm). Năm nay nhà trường tiếp tục mở khóa thứ hai. Đối tượng được theo học là y sĩ có thời gian công tác ba năm trở lên tại các trạm y tế xã, bệnh viện huyện miền núi... "Thực tế trình độ của sinh viên hệ này có hạn chế hơn, nhưng nhiều người đã có thâm niên trong nghề hơn mười năm rồi. Nếu không được đào tạo thì họ vẫn phải làm công việc của một bác sĩ" - ông Xuân nói.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nói hệ chuyên tu là điểm nhức nhối lâu nay trong đào tạo y khoa. Một giảng viên y khoa với gần 30 năm dạy học chia sẻ: "Chúng tôi từng tham gia giảng dạy, khổ nhất là dạy các khóa chuyên tu. Lẽ ra phải xóa bỏ hệ đào tạo này nhưng gần đây lại mở các khóa đào tạo này trở lại. Nhiều người phản đối hình thức đào tạo này bởi chất lượng rất đáng lo ngại".

 

Cũng theo giảng viên này, những năm trước đây, biến tướng của hệ đào tạo chuyên tu dẫn đến tình trạng nhiều người đủ khả năng thi bác sĩ chính quy chấp nhận học y sĩ, sau đó chạy giấy tờ để được học chuyên tu và cũng trở thành bác sĩ.

 

"Nhiều sinh viên chuyên tu có lỗ hổng kiến thức rất lớn nên rất khó bù đắp kiến thức cho họ..." - lãnh đạo một bệnh viện ở TP.HCM khẳng định. Không ít giảng viên y khoa cũng cho rằng việc liên kết đào tạo, hợp đồng đào tạo có ảnh hưởng đến chất lượng. "Tôi chưa thấy sinh viên y khoa nào thuộc diện được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh hay sinh viên hệ chuyên tu nào trở thành bác sĩ giỏi, thành công" - lãnh đạo một bệnh viện lớn ở TP.HCM khẳng định.

 

Theo GS Đặng Vạn Phước (trưởng Khoa y, ĐHQG TP.HCM), trong đào tạo y khoa đang tồn tại mâu thuẫn lớn giữa số lượng và chất lượng. Thực tế tuyến y tế cơ sở thiếu quá nhiều bác sĩ trong khi khả năng đào tạo, số lượng các trường y không đáp ứng được nhu cầu. Do thiếu nhân lực, các trường luôn phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Việc này chỉ giải quyết bài toán về số lượng nhưng chất lại giảm. Thực tế cho thấy ở hầu hết các trường y, đội ngũ giảng viên hệ thống y học cơ sở ngày càng thiếu. Đó là chưa kể cơ sở vật chất thí nghiệm ở các trường rất lạc hậu. Các giảng viên dạy lâm sàng cũng quá nhiều việc, chạy sô khám chữa bệnh khắp nơi, thời gian hướng dẫn sinh viên thực hành giảm đến mức báo động.

 

Cần chính sách thu hút

 

Theo ông Trần Quốc Kham - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), ngành y tế đang tập trung nhân lực cho 62 huyện nghèo nhất nước. Trả lời câu hỏi vì sao quy mô đào tạo tăng nhiều nhưng bác sĩ vẫn thiếu, ông Kham cho biết nên có một chính sách hấp dẫn để thu hút thầy thuốc về với tuyến y tế gần dân như xã và huyện.

 

Đồng tình với ý kiến này, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Nguyễn Tuấn Hưng cho biết từ năm 2009 đã có chính sách hỗ trợ thầy thuốc ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như phụ cấp lương, cho hưởng 70-100% lương khi đi học... Thế nhưng, bác sĩ ở huyện chưa phải là đặc biệt khó khăn thì chưa có chính sách thu hút nào được coi là căn cơ, tận gốc.

 

Theo ông Hưng, ngay hỗ trợ 20-30 triệu đồng/bác sĩ về tuyến huyện mới chỉ một số địa phương như Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ... làm được, còn lại chỉ là thu hút "chay", nên bác sĩ chính quy ra trường hầu như không về huyện, thậm chí bác sĩ đào tạo theo địa chỉ cũng sẵn sàng phá hợp đồng, không về huyện. Nhiều huyện chỉ còn cách đào tạo bác sĩ hệ chuyên tu, thậm chí nhiều bệnh viện huyện khó quá đành biệt phái bác sĩ xã lên huyện, dẫn đến tỉ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đã thấp lại càng trở nên hẩm hiu.

 

Theo ông Hưng, đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo cũng bắt đầu khởi động, có 40 bác sĩ tốt nghiệp từ năm 2012-2014 ở ĐH Y dược Thái Nguyên, ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Hải Phòng đăng ký về công tác ở các huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng... Các sinh viên này sẽ được học chuyên khoa 1, chuyên khoa định hướng, để có thể khám chữa bệnh độc lập ngay sau khi về huyện và sẽ được ưu tiên tuyển dụng về sau.

 

GS.TS Trần Hữu Dàng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế - cho rằng giải pháp để nâng cao chất lượng ở bệnh viện tuyến huyện là phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, Nhà nước cần đặt ra quy định thực hiện "nghĩa vụ ngành y", bắt buộc sinh viên y khoa ra trường phải về công tác ở vùng nông thôn, miền núi trong hai năm. Ông Trần Quốc Kham cũng cho hay ngành y tế đang có đề án luân phiên thực hiện nghĩa vụ để tăng cường bác sĩ cho tuyến cơ sở.

 

Theo Trần Huỳnh, Lan Anh

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm