1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Khoa Dược “gia đình” gây bê bối tài chính hàng trăm tỷ đồng

(Dân trí) - Nhân sự của khoa Dược, bệnh viện Nguyễn Tri Phương có mối quan hệ gia đình vợ - chồng, chị - em là yếu tố nguy cơ phát sinh tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, những sai phạm trong hoạt động của khoa Dược đã gây bê bối tài chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đó là một trong những nội dung được công bố thuộc “Kết luận thanh tra hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức hoạt động dược tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương” do PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, TPHCM ký và gửi đến UBND thành phố, Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra thành phố.

Kiểm tra đến đâu sai đến đó

Nội dung thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến lĩnh vực dược tại bệnh viện. Theo đó, các báo cáo của khoa Dược đều nêu có thực hiện việc kiểm tra cảm quan, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại kho và nơi cấp phát thuốc.

Tuy nhiên, thực tế thanh tra cho thấy, báo cáo tồn kho, biên bản kiểm kê hàng tháng không thể hiện việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng cảm quan, định kỳ và đột xuất tại kho cũng như nơi cấp phát thuốc.

Hoạt động của khoa Dược, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tồn tại nhiều bất cập, kéo dài
Hoạt động của khoa Dược, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tồn tại nhiều bất cập, kéo dài

Việc cấp phát thuốc của kho lẻ, phía bệnh viện cũng khẳng định đã thực hiện theo đúng các quy định. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra chỉ ra hoạt động cấp phát thuốc không có thủ kho chung.

Dược sĩ duyệt phiếu lĩnh thuốc không phải là trưởng khoa Dược và không có ủy quyền theo quy định (kể cả thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc).

Phiếu lĩnh thuốc đầy đủ chữ ký nhưng có hiện tượng sửa số lượng và ghi nhận “không phát” ở cột thực phát đối với một số thuốc (phổ biến đối với phiếu lĩnh thuốc cho bệnh nhân nội trú có bảo hiểm y tế). Các khoa lâm sàng không ghi nhận số khoản thuốc thực tế đã nhận mà ký nhận đầy đủ tổng số khoản thuốc theo như yêu cầu, không có bản lưu ở khoa lâm sàng.

Thanh tra Sở Y tế khẳng định, các vấn đề trên không đúng với quy định của quy trình đã được phê duyệt và ban hành.

Mặt khác, biểu mẫu phiếu lĩnh và sổ theo dõi thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần từ tháng 7/2014 đến nay không đúng quy định. Một số nội dung trên phiếu lĩnh thuốc không gạch chéo khoảng trống sau tổng số khoản thuốc yêu cầu lĩnh. Theo thanh tra Sở Y tế, các quy chế chuyên môn về dược và quy định quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc, bệnh viện thực hiện chưa đúng các quy định

Tiến hành kiểm tra tổ chức nhân sự khoa Dược, đoàn thanh tra phát hiện nhiều nhân sự ở khoa dược có quan hệ gia đình là chị - em; vợ - chồng. Những người này được phân công vào các vị trí công việc có mối liên hệ là yếu tố nguy cơ phát sinh tiêu cực như kế toán - phụ trách kho; kế toán - cấp phát.

Mặt khác, nhân sự của khoa chưa có bộ phận nghiệp vụ dược và kiểm soát chất lượng riêng, phân công công việc chưa rõ ràng mà hoạt động kiêm nhiệm và lồng ghép.

Tình trạng trên khiến việc thực hiện theo quy chế chuyên môn cũng như hoạt động kiểm tra, giám sát kém hiệu quả; nhiều giai đoạn công việc chồng chéo dễ phát sinh sai sót song rất để khó quy trách nhiệm cá nhân…

Bê bối hàng trăm tỷ đồng

Về theo dõi, thanh toán nợ tiền thuốc, bệnh viện chưa hạch toán chi tiết, mở sổ theo dõi và định kỳ chưa đối chiếu giữa các bộ phận như: nhập kho theo dõi nợ, thanh toán nợ, hạch toán kế toán nên giữa báo cáo tài chính và tổng số nợ chi tiết có chênh lệch chưa xác định nguyên nhân, đối tượng.

Cụ thể, đến ngày 31/8/2014, tổng số nợ chi tiết (thuốc, vật tư…) thấp hơn báo cáo tài chính là 20.790.605.135 đồng; đến ngày 31/12/2015, thấp hơn báo cáo tài chính là 12.915.745.841 đồng.

Sở Y tế yêu cầu bệnh viện kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan và khắc phục hậu quả
Sở Y tế yêu cầu bệnh viện kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan và khắc phục hậu quả

Bệnh viện còn chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty do các năm 2012-2013 bệnh viện đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức vượt chênh lệch thu chi trong năm dẫn đến nợ thuốc không nguồn quyết toán là 102.917.246.302 đồng.

Đến 31/12/2014, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty là 134.449.398.616 đồng, trong đó 50% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 67.392.210.797 đồng. Đến 31/12/2015, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty là 127.508.505.894 đồng, trong đó 28% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45.671.455.884 đồng.

Kết luận của Sở Y tế chỉ ra: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chủ quan không kiểm tra, giám sát để phát hiện và kịp thời chấn chỉnh sai sót, bất cập của các quy trình thao tác chuẩn cho hoạt động của khoa Dược; không truy tìm nguyên nhân việc thiếu thuốc được phát hiện khi kiểm kê, không thực hiện chế độ kiểm tra đột xuất để phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời để xảy ra thất thoát thuốc của bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế kết luận: Các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của khoa Dược, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc được ghi nhận là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện qua các thời kỳ gồm: ông Nguyễn Thi Hùng (từ trước ngày 3/9/2014); ông Võ Đức Chiến (từ ngày 3/9/2014); bà Trương Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Dược; các dược sĩ có liên quan theo sự phân công của Trưởng khoa Dược; Trưởng phòng Tài chính Kế toán qua các thời kỳ.

Các vấn đề “nhập nhằng” nêu đã gây thất thoát thuốc với số lượng rất lớn tại khoa Dược. Vụ việc đã được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM thụ lý, giải quyết. Chi tiết về số lượng thuốc thất thoát, giá trị tiền và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm