Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tổ chức lễ kỷ niệm 11 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012-2023) và tổng kết "Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2023".

Chương trình có sự đồng hành và tài trợ bởi hãng dược Merck, Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích Di truyền Gentis cùng các nhà tài trợ khác. Đây là dịp để hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại bệnh viện cùng nhau hội ngộ, tri ân các bác sĩ và chia sẻ về hành trình tìm kiếm con yêu đầy nhọc nhằn nhưng vô cùng hạnh phúc. 

Nơi gieo "hạt mầm" yêu thương 

Hơn 13 năm hình thành và phát triển, 11 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội là một trong những cơ sở y tế ngoài công lập đầu tiên ở miền Bắc được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đây cũng là cơ sở được Hiệp hội Sinh sản Úc trao chứng nhận quốc tế RTAC - bộ tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hỗ trợ sinh sản.

Nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến được bệnh viện ứng dụng đã và đang mang đến cơ hội có con cho hàng chục nghìn gia đình hiếm muộn. Đại diện bệnh viện cho biết, tỷ lệ thành công trung bình tại bệnh viện đạt khoảng 70%.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn bệnh viện - chia sẻ: "Với phương châm tất cả vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, chúng tôi luôn cá thể hóa từng ca bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả điều trị tối đa và mức chi phí hợp lý cho người bệnh. 11 năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng trên hành trình tìm kiếm con yêu là 11 năm các bác sĩ của bệnh viện trăn trở, tìm tòi và nỗ lực không ngừng trong công việc để nối dài thêm những yêu thương, mang đến tiếng cười nói trẻ thơ, vun đắp thêm những vẹn tròn hạnh phúc cho biết bao gia đình hiếm muộn". 

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ - 1

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (Ảnh: BVCC).

Kết "trái ngọt" hạnh phúc 

Chương trình kỷ niệm diễn ra với nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ từ các gia đình thực hiện IVF thành công tại bệnh viện. Mỗi gia đình là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng.

Gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, người dân tộc Tày (Hà Giang) với 9 năm ròng rã tìm con.

Kết hôn năm 2013, trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng chị Niềm đối mặt với vô vàn áp lực. Chị bị tắc 2 bên vòi trứng nên không thể có con tự nhiên. Áp lực về kinh tế cùng định kiến xã hội lên người phụ nữ khiến vợ chồng chị đã có lúc rơi vào tuyệt vọng.

Giữa những tháng ngày tưởng như buông xuôi, gia đình chị Niềm biết tới chương trình "Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2021". 2 vợ chồng quyết định nộp hồ sơ và trở thành một trong 10 gia đình được hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Hạnh phúc đã đến với gia đình chị Niềm khi thiên thần nhỏ chào đời vào 6/2022. 

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ - 2
Các gia đình chia sẻ về hành trình tìm con đầy xúc động (Ảnh: BVCC).

2 vợ chồng chị Trần Thị Xuân Thùy - anh Lê Anh Tuấn (Hà Nội) mang gen bệnh thalassemia, nếu thụ thai và sinh con tự nhiên sẽ có khả năng mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sĩ tư vấn làm IVF kết hợp xét nghiệm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khỏe mạnh. Năm 2021 chị Thùy được bác sĩ thông báo mang song thai. Giữa năm 2022, hai "thiên thần" nhỏ đã chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ - 3

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền bên các thiên thần nhỏ được thực hiện IVF thành công (Ảnh: BVCC).

Có rất nhiều câu chuyện khác như gia đình hiếm muộn nhiều năm, chồng không có tinh trùng phải can thiệp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE... nhận được sự quan tâm, đồng cảm và khâm phục của hàng trăm gia đình có mặt tại chương trình. 

BSCKI Phạm Văn Hưởng - Phó giám đốc chuyên môn bệnh viện - chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rõ gánh nặng chi phí mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chi trả để theo đuổi hành trình tìm kiếm con yêu. Chương trình Tuần lễ vàng được duy trì thường niên từ năm 2015 với nhiều gói hỗ trợ thiết thực cả về số lượng lẫn giá trị ưu đãi".

Năm nay, bệnh viện tiếp tục duy trì 5 chương trình hỗ trợ: miễn 100% chi phí thực hiện IVF cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; miễn phí 20 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền; 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE; 10 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung; 20 ca nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động.

Còn có 2 chương trình hỗ trợ khác: miễn phí 50 ca thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và miễn phí 20 ca sử dụng dịch vụ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trị giá 30 triệu đồng gồm tiền: chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi.

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ - 4
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc điều hành trao giải đặc biệt 100 triệu đồng (Ảnh: BVCC).
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Ươm mầm hạnh phúc được làm cha mẹ - 5
6 giải vàng bốc thăm may mắn tổng trị giá 180 triệu đồng (Ảnh: BVCC).

Cuối chương trình, bệnh viện cũng tổ chức bốc thăm để tìm ra 77 gia đình may mắn được hỗ trợ chi phí điều trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mở ra cơ hội được làm cha mẹ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang khao khát tìm kiếm con yêu.