Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ứng dụng phương pháp điều trị cận thị mang lại hiệu quả

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 có những bước tiến đáng kể trong kiểm soát cận thị. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 vừa đưa ra báo cáo, nghiên cứu tại hội thảo nhãn khoa các bệnh lý giác mạc và kiểm soát cận thị.

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất ở mắt. Theo nghiên cứu công bố năm 2016 của Brien Holden và cộng sự, dự kiến tới năm 2050, cận thị có thể chiếm 50% dân số thế giới. Tại Việt Nam, 15-40% người mắc cận thị. Kiểm soát cận thị là một trong những vấn đề đáng quan tâm của ngành nhãn khoa.

Ngày 11/1, "Hội thảo nhãn khoa các bệnh lý giác mạc và kiểm soát cận thị" do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Bệnh viện Mắt Quốc gia Singapore phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 y bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và theo dõi qua Teams.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ứng dụng phương pháp điều trị cận thị mang lại hiệu quả - 1

Hội thảo nhãn khoa nhận được sự quan tâm đông đảo của các y bác sĩ.

Hội thảo đề cập đến kiểm soát cận thị - vấn đề luôn được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chú trọng và đặt lên hàng đầu. Bệnh viện đã thành lập trung tâm Kiểm soát cận thị vào tháng 11/2022 với mục tiêu kiểm soát cận thị cho trẻ em, nghiên cứu khoa học về cận thị và phương pháp kiểm soát cận thị, ứng dụng quy trình tiêu chuẩn thế giới, xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực cận thị.

Đầu tư nguồn lực cho công tác kiểm soát cận thị, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo về tình hình kiểm soát cận thị năm 2023 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 do cử nhân khúc xạ Đỗ Thị Thơ trình bày đã chỉ ra các số liệu về thực trạng cận thị phổ biến đáng lo ngại tại các khu vực trên cả nước. Năm 2019, cận thị chiếm 32,8% tại Hà Nội; năm 2020, cận thị chiếm 14,2% tại Nghệ An; năm 2021, cận thị chiếm 16,3% tại Trà Vinh.

Tại hội thảo, các y bác sĩ cũng đã chia sẻ những nội dung về kiểm soát cận thị, quy trình kiểm soát cận thị và xu hướng kiểm soát cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, lắng nghe báo cáo nghiên cứu đánh giá hiệu quả kiểm soát cận thị của thuốc Atropine nồng độ thấp và định hướng của bệnh viện trong năm 2024.

Đại diện Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng trình bày về các phương pháp chẩn đoán cận thị, biện pháp kiểm soát cận thị. 

Tại Việt Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong số các đơn vị thực hiện theo dõi kiểm soát cận thị tiến triển có dữ liệu liên tục, đồng bộ trong 12 tháng. 3 phương pháp kiểm soát cận thị tại Việt Nam hiện nay là: kính gọng, kính áp tròng ban đêm Ortho-K và thuốc Atropine liều thấp. Trong đó, dùng thuốc Atropine là phương pháp được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ứng dụng nhiều trong điều trị và mang lại hiệu quả tích cực.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ứng dụng phương pháp điều trị cận thị mang lại hiệu quả - 2

Cử nhân khúc xạ Đỗ Thị Thơ báo cáo kiểm soát cận thị

Hiệu quả kiểm soát cận thị của thuốc Atropine nồng độ thấp đã được khẳng định thông qua nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả kiểm soát tiến triển cận thị và tính an toàn của Atropine nồng độ thấp tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2". Nghiên cứu chỉ ra Atropine nồng độ thấp có khả năng kiểm soát độ cầu tương đương và chiều dài trục nhãn cầu trên nhóm trẻ nhỏ người Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong năm 2023 khẳng định hiệu quả của các biện pháp kiểm soát cận thị và sự nỗ lực trong quá trình theo dõi quản lý tiến triển cận thị của đội ngũ chuyên gia tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Tiếp tục duy trì và phát huy những thành công đó, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đề ra những phương hướng trong kiểm soát cận thị năm 2024: tìm kiếm thêm nhiều cơ hội học tập để nâng cao chuyên môn, phát triển các nghiên cứu về kiểm soát cận thị và xây dựng quy trình chuẩn về kiểm soát cận thị.

Tiến triển cận thị hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua việc ứng dụng các biện pháp kiểm soát cận thị hiệu quả kết hợp với theo dõi thường xuyên theo quy trình tiêu chuẩn.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong những nơi đi đầu trong công tác kiểm soát cận thị cho trẻ nhỏ. Nỗ lực của bệnh viện hứa hẹn những kết quả đáng mong đợi trong năm 2024.