1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện kêu trời vì bị “siết chi” khám BHYT, Bộ Y tế vào cuộc

(Dân trí) - Phần lớn các bệnh viện đều vượt dự toán chi mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đặt ra. Bộ Y tế cho rằng việc đặt ra mức dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện là không hợp lý, không đúng thẩm quyền.

Trước đó, ngày 19/5 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản về việc giao dự toán chi khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế trong năm 2017. Một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh đã phản ánh lên Bộ Y tế về việc bị“áp” dự toán chi không hợp lý, mức chi đều vượt ngưỡng dự toán giao.

Người bệnh chờ khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải
Người bệnh chờ khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải

Hơn nữa, số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo cho các địa phương để giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh năm 2017 thấp hơn năm 2016, thấp hơn số giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định 260 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, năm 2017 dự kiến có chi phí khám bệnh, chữa bệnh gia tăng cao hơn năm 2016.

Theo Bộ Y tế, Quỹ BHYT là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng BHYT và từ các nguồn hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế và không phân biệt vùng miền.

Quỹ BHYT được quản lý tập trung thống nhất, công khai, minh bạch và Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý quỹ BHYT, quyết định nguồn tài chính để đảm bảo việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong trường hợp mất cân đối thu, chi quỹ BHYT.

Theo Bộ Y tế, Nghị định của Chính phủ quy định rõ 90% số tiền đóng BHYT dành cho việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT và Quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT.

“Như vậy, việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh/Thành phố phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh năm 2017 là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Bệnh viện gặp khó vì “siết chi”

Bộ Y tế cho biết, nhiều sở y tế, bệnh viện, địa phương như: Phú Thọ, Bắc Cạn, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí... đã có văn bản phản ứng cơ quan bảo hiểm vì cho rằng việc BHXH các tỉnh giao dự toán chi khám chữa bệnh cho bệnh viện chưa phù hợp, năm sau thấp hơn năm trước khiến công tác khám chữa bệnh, triển khai kỹ thuật mới tại bệnh viện gặp khó khăn.

Như tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế), dự toán được BHXH giao chỉ đáp ứng được khoảng 56% mức chi của BV cho công tác khám chữa bệnh BHYT.

Hay như tại Phú Thọ, chi phí khám chữa bệnh năm 2017 đến tháng 7 đã tiêu hết số tiền dự toán được BHXH giao, chưa kể vượt trên 620 tỉ đồng so với dự toán này.

Lãnh đạo một bệnh viện khác dự báo chi phí khám chữa bệnh năm nay viện sẽ vượt con số dự toán được giao này. Lý do là dịch bệnh năm nay nhiều, nhu cầu khám sức khỏe của người dân tăng vì thế kinh phí có thể tăng hơn so với năm 2016. Dự kiến, số lượng khám nội trú, khám ngoại trú tăng 10-12%.

Vị lãnh đạo này cũng không đồng tình với việc giao chỉ tiêu dự toán mà BHXH đưa ra vì sợ các bệnh viện lạm dụng quỹ.

“Thực ra, việc lạm dụng trong khám chữa bệnh đều được giám sát chặt chẽ. Bệnh viện đã có văn bản đến khoa phòng nghiêm cấm việc lạm dụng xét nghiệm, thuốc, giường bệnh; trong trường hợp có nhiều phương pháp chẩn đoán điều trị thì cân nhắc lựa chọn biện pháp đảm bảo chất lượng, chi phí thấp nhất. Chất lượng khám chữa bệnh cần được đặt lên hàng đầu”, vị lãnh đạo này nói.

Ông cũng dẫn chứng thêm, trong năm 2016 đơn vị này bội chi 49 tỷ đồng.

Các bệnh viện cho rằng việc cấp dự toán kinh phí khám chữa bệnh nên theo chi phí thực tế. Việc lạm dụng quỹ BHXH có toàn quyền từ chối thanh toán và thực tế, hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn từ chối thanh toán với những trường hợp có dấu hiệu lạm dụng các xét nghiệm, ngày giường...Vì thế, tại các BV đều siết chặt để ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quỹ.

Hơn nữa, khi phát hiện lạm dụng quỹ sẽ không được thanh toán, bác sĩ phải đóng tiền túi cho chi phí này nên các bệnh viện càng phải siết chặt trong chẩn đoán, điều trị.

Trước sự việc này, Bộ Y tế đã có công văn do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn kí, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố không thực hiện việc giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh năm 2017 và thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm