Bệnh viện Hòa Bình không kiểm định nguồn nước RO sau khi bảo trì máy lọc

(Dân trí) - Đại diện Sở Y tế Hòa Bình đã chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sau hơn 5 tiếng họp kín sáng nay (8/6) không có sự tham dự của báo chí.


Ông Trần Quang Khánh chủ trì cuộc họp công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn

Ông Trần Quang Khánh chủ trì cuộc họp công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn

Đúng 15h chiều nay, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, đã chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn sau phiên họp sáng nay (8/6).

Hội đồng chuyên môn do bà Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình - là chủ tịch Hội đồng, cùng 11 chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai (khoa Thận nhân tạo, khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm chống độc; khoa Cấp cứu A9) và các chuyên gia của bệnh viện Đa khoa tỉnh đã họp đánh giá quá trình khám, chăm sóc và điều trị đối với các bệnh nhân trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017 tại Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và định hướng tìm nguyên nhân sự cố.

Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu gồm có hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình của các cá nhân liên quan, các văn bản Hội đồng đã thảo luận và khẳng định: Đây là một thảm họa, các bệnh nhân trong tình trạng diễn biến hết sức phức tạp”.

Về chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân, trên cơ sở biểu hiện của 18 bệnh nhân lọc máu với các biểu hiện tương đối giống nhau trong cùng một thời điểm, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến: Hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).


Một bệnh nhân chạy thận đã không thể qua khỏi do ngộ độc quá nặng

Một bệnh nhân chạy thận đã không thể qua khỏi do ngộ độc quá nặng

Về nguyên nhân, ở thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên (do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi...).

Tuy nhiên Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến có sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, các thành viên hội đồng đều thống nhất các khâu tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá, thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp với quy trình; Việc xử lý khi có các dấu hiệu bất thường, xử trí cấp cứu là tích cực, phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật…


Bà Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình (người đứng) khẳng định vụ việc là 1 thảm họa!

Bà Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình (người đứng) khẳng định vụ việc là 1 thảm họa!

Sau khi công bố kết luận, phóng viên Dân trí đã trực tiếp đặt câu hỏi với ông Trần Quang Khánh về trách nhiệm của cán bộ y tế trong vụ ngộ độc có tính chất thảm họa này.

Cụ thể, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi: Phía bệnh viện có kiểm tra độ an toàn của thiết bị sau khi công ty Thiên Sơn bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO? Những lần bảo trì trước đó có đưa nguồn nước RO đi kiểm định không?

Ông Trần Quang Khánh cho biết: "Ngày 28/5, công ty Thiên Sơn bảo trì bảo dưỡng lọc nước RO, Giám đốc BV đa khoa có ký kết hợp đồng bảo trì. Sau khi bảo trì chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân.

Còn về công tác kiểm tra hệ thống lọc nước RO ở những lần bảo trì trước thì phải hỏi bệnh viện mới rõ".

Phóng viên Dân trí: Việc không đưa nguồn nước RO đi kiểm định có sai quy trình không?

Ông Khánh giải thích: Việc này phải căn cứ theo hợp đồng bảo trì máy chạy thận giữa Bệnh viện Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn. Nếu trong hợp đồng mà có điều khoản buộc phải đưa nguồn nước RO đi kiểm định thì trách nhiệm này thuộc về Công ty Thiên Sơn.

Phóng viên Dân trí: Vậy khi nguồn nước RO chưa được đưa đi kiểm định mà bệnh viện đã đưa vào sử dụng lọc máu cho bệnh nhân thì bệnh viện có sai quy trình và có trách nhiệm gì trong việc này?

Ông Khánh giải thích thêm: “Vấn đề này còn liên quan đến biên bản bàn giao của đơn vị bảo trì. Nếu khi bảo trì xong mà có biên bản nhưng không phiếu kiểm định nguồn nước RO mà kỹ sư vẫn đưa máy vào sử dụng thì người này cũng phải chịu trách nhiệm. Việc này cơ quan điều tra đang rà soát làm rõ các vấn đề này.


Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí

Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí

Để trả lời dứt điểm vấn đề trên, ông Khánh cho rằng phải có đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, cuộc họp báo chiều nay không có đại diện lãnh đạo của bệnh viện này. Ông Khánh đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đến ngay cuộc họp nhưng không được.

Cuộc họp kết thúc lúc 16h cùng ngày.

Nguyễn Dương - Đàm Quang