Bệnh viện giảm hàng nghìn bệnh nhân đến khám vì giá rét

(Dân trí) - Những ngày rét đậm tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), lượng người khám thưa thớt, giảm đến hàng nghìn bệnh nhân so với ngày bình thường. Trong phòng bệnh ấm áp, nhưng ở bên ngoài, những người đi chăm sóc bệnh nhân co ro trong giá lạnh.

90% tăng huyết áp không triệu chứng

TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày rét đậm vừa qua, bệnh nhân đến khám giảm đi rất nhiều. Chủ yếu bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đến lịch khám, hết thuốc phải đến viện, còn đại đa số người dân “cố thủ”, hoặc chỉ khi nào biểu hiện nặng mới đến viện.

TS Đồng Văn Thành khám cho bệnh nhân tăng huyết áp.
TS Đồng Văn Thành khám cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Trong những ngày bình thường thời tiết ấm, khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 3000 lượt bệnh nhân. Riêng ngày đầu tiên của đợt rét, do có hiện tượng đi khám “chạy rét” nên tăng vọt lên 3600 ca, ngày hôm qua và hết ngày 10/1, số bệnh nhân đến khám chỉ trên dưới 2500 ca.

Lượng bệnh nhân đến khám giảm rất nhiều vì lạnh.
Lượng bệnh nhân đến khám giảm rất nhiều vì lạnh.

Thời tiết lạnh như hiện nay nổi lên là các bệnh cơ xương khớp (người bệnh đau nhức các khớp); bệnh phổi mãn tính dù đang ổn định nhưng gặp lạnh dễ diễn biến nặng lên, bệnh hen phế quản, tăng huyết áp ở người nhà.

“Thời tiết lạnh, không giữ đủ ấm cơ thể, xảy ra hiện tượng co mạch sẽ làm huyết áp tăng vọt lên dù đang uống thuốc. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những người không kiểm soát được huyết áp do chưa điều trị, có thể dẫn đến tai biến ngay tức khắc. Đáng nói, nhiều trường hợp cao huyết áp lại không biểu hiện triệu chứng, vì thế người bệnh chỉ tình cờ được phát hiện khi đi khám sức khỏe, hoặc có tai biến đến BV mới được phát hiện cao huyết áp”, TS Thành khuyến cáo.

Như trường hợp của người nhân 53 tuổi (Hải Dương) đang điều trị tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) 6 ngày nay vẫn không tỉnh. Khi hỏi về trường hợp của chồng mình, người phụ nữ không cầm được nước mắt, kể lại, bữa đó cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì chồng chị bỗng nhiên bị giật giật, rồi méo mồm, liệt một bên người. Dù đã đưa ngay đi cấp cứu nhưng đến nay 6 ngày bệnh nhân vẫn chưa tỉnh.

Vợ bệnh nhân không cầm được nước mắt khi chia sẻ về tình trạng của chồng.
Vợ bệnh nhân không cầm được nước mắt khi chia sẻ về tình trạng của chồng.

TS Thành giải thích, ở những người huyết áp cao kiểm soát được, thời tiết lạnh có ảnh hưởng nhưng không quá nhiều. Như trong sáng Khi xảy ra hiện tượng co mạch nhưng vì đang uống thuốc, huyết áp chỉ tăng lên chút xíu. Còn những người chưa kiểm soát được huyết áp do không phát hiện, sự tăng vọt là rất nguy hiểm.

Như 5 trường hợp cao huyết áp đều đã hơn 10 năm, sáng 10/1 khi đến tái khám tại BV huyết áp rất ổn định. Còn một trường hợp nam giới 80 tuổi kể triệu chứng thỉnh thoảng đang đi thì tối tăm mặt mày, ngã, khi bác sĩ kiểm tra huyết áp rất cao.

TS Thành cũng cảnh báo xu thế tăng huyết áp ở người trẻ ngày càng tăng, 30 – 40 tuổi đã tăng huyết áp, có những trường hợp không rõ căn nguyên, nhưng phần nhiều do lối sống uống nhiều rượu bia, thuốc lá…

Người nhà nên ngồi ở ghế trong nhà kín gió

Lãnh đạo BV Bạch Mai cho biết, từ đầu mùa rét BV đã ý thức được sẽ có những đợt rét hại, rét sâu nên đã chuẩn bị tốt công tác hậu cần. Vì thế, rơi vào 3 ngày giá rét vừa qua, công tác chăm sóc bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi phòng nào cũng có điều hòa hai chiều, máy sưởi, hệ thống nước nóng đến từng phòng bệnh.

Khu vực phòng khám được trang bị điều hòa hai chiều, máy sưởi ấm.
Khu vực phòng khám được trang bị điều hòa hai chiều, máy sưởi ấm.

Đặc biệt về dinh dưỡng, xuất ăn cung cấp cho bệnh nhân được chuyển trên xe chuyên dụng để giữ ấm đồ ăn; rồi công tác chữa trị, hệ thống máy làm ấm các dịch truyền phải bảo quản lạnh (như máu, huyết tương) cũng được bổ sung, đảm bảo dịch truyền đạt nhiệt độ lý tưởng 37 độ C khi truyền cho người bệnh.

Trong các phòng bệnh đều rất ấm, một khe cửa kính nứt, vỡ… đều đã được thay thế để không bị hút gió. Bệnh nhân đảm bảo được giữ ấm nhưng chỉ những người thăm nuôi là khổ nhất. Vì thế, ở ký túc xá dành cho bệnh nhân của BV Bạch Mai cũng bổ sung các thiết bị chống rét.

Các bác sĩ lưu ý, bên trong nhà kín gió, bệnh phòng rất ấm vì có điều hòa hai chiều, máy sưởi nhưng khi ra khỏi tòa nhà, gió hút rất lạnh. Nên những người thân nhân người bệnh khi đi thăm nuôi, khi đưa người nhà đi khám mặc ấm để tránh giá lạnh, nên ngồi đợi ở hệ thống ghế ngồi trong tòa nhà kín gió.

Khi di chuyển giữa khu bệnh phòng và ngoài tòa nhà phải hết sức chú ý sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Vì trong bệnh phòng nhiệt độ ấm, thậm chí bác sĩ chỉ mặc áo blu, người bệnh đắp một chăn mỏng, nhưng khi di chuyển ra khỏi phòng bệnh, đặc biệt là ra ngoài trời sẽ bị lạnh đột ngột. Sự thay đổi nóng - lạnh đột ngột là căn nguyên gây nhiều căn bệnh, trong đó có tình trạng co mạch máu có thể gây tai biến ở những người có huyết áp cao. Vì thế, trước khi ra ngoài khu vực kín gió, cần mặc áo khoác giữ ấm người, đội mũ ấm đầu.

Để phòng bệnh mùa lạnh, mỗi người cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm, sáng sớm, nên ăn đồ ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể; tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, nguy cơ xảy ra đột quỵ lớn. Ngay những người trẻ cũng không nên chủ quan, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ.

Dưới đây là hình ảnh người nhà "cố thủ" thêm chăn, áo ấm khi đi chăm sóc người bệnh:

Trong phòng bệnh ấm áp.
Trong phòng bệnh ấm áp.

Nhưng khi di chuyển ra ngoài rất lạnh, bệnh nhân phải chùm chăn giữ ấm.

Nhưng khi di chuyển ra ngoài rất lạnh, bệnh nhân phải chùm chăn giữ ấm.

Người chăm nom mang theo giường, chăn ấm để đối phó với thời tiết lạnh cắt da cắt thịt.
Người chăm nom mang theo giường, chăn ấm để đối phó với thời tiết lạnh cắt da cắt thịt.
Bệnh viện giảm hàng nghìn bệnh nhân đến khám vì giá rét - 8

Bài và ảnh: Hồng Hải