Rét đậm kéo dài, mỗi ngày gần 20 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu
(Dân trí) - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết rét đậm kéo dài, đặc biệt lạnh vào sáng sớm, ban đêm đã làm gia tăng số bệnh nhân đột quỵ. Tại Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, hiện mỗi ngày tiếp nhận từ 10 - 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5-10%.
Khoa Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, cho biết, bệnh nhân nữ 75 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Hà Nội được đưa vào khoa trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải và không nói được.
Ca bệnh này rất may mắn, bởi gia đình khi phát hiện bà đột quỵ đã nhanh chóng đưa tới viện. Thời điểm bệnh nhân tới viện chỉ khoảng 2 tiếng sau đột quỵ. Đây là khung giờ vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ (trước 6 giờ kể từ thời điểm đột quỵ).
Ngay lập tức, bệnh nhân được khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn và được điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường.
Đây chỉ là một trong số khoảng 10 – 20 ca bệnh được đưa đến cấp cứu tại BV Bạch Mai mỗi ngày vì đột quỵ.
PGS Mai Duy Tôn cho biết, thời tiết mấy ngày qua khiến bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng. Bởi thời tiết lạnh là nguyên nhân gây tăng huyết áp, là nguyên nhân gây ra đột quỵ.
Thời tiết lạnh cũng là nguyên nhân làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn gây đột quỵ. Thời tiết lạnh, người cao tuổi, người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cũng dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.
Để phòng chống đột quỵ, bác sỹ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột.
Những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Bệnh nhân cũng cần có lối sống tích cực, tránh mất ngủ và stress, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục, duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây, vận động thường xuyên 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần.
PGS Tôn lưu ý, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần nhanh chóng gọi 115 đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Không tự ý dùng thuốc huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 180/100mmHg (không dùng thuốc hạ huyết áp dạng nhỏ dưới lưỡi).
Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra, tuyệt đối không sốt ruột cho bệnh nhân ăn, uống hay ngậm bất cứ thuốc gì.
Dấu hiệu của đột quỵ
Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu: nói ngọng, liệt mặt (méo miệng), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột…, hãy yêu cầu người bệnh "CƯỜI – NÓI – CHÀO" rồi quan sát.
TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) lý giải, khi yêu cầu người bệnh cười chúng ta sẽ biết được khuôn mặt có bị mất cân đối hay không. Yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên và quan sát xem có tay bên nào bị yếu hoặc liệt không. Yêu cầu người bệnh lặp những từ đơn giản và nghe xem giọng nói có bị thay đổi, có méo giọng không?
Nếu có một trong những dấu hiệu trên thì cần gọi ngay cấp cứu 115. “Bởi với đột quỵ, thời gian vàng để xử trí hiệu quả là trong vòng 3 tiếng. Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy não bị thiếu máu, thiếu oxy… và sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được”, TS Tôn nói.
Còn đến viện muộn, người bệnh dễ bị di chứng hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân được…
Hồng Hải