Bệnh ung thư, tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
(Dân trí) - Tại nước ta, các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 77% tổng số ca tử vong. Trong đó, bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.
Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số ca tử vong ở Việt Nam. Xác suất tử vong sớm (tuổi từ 30 đến 70) do các bệnh không lây nhiễm ước tính là 17%.
Trong đó, các bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm, với tỷ lệ tương ứng là 31% và 19%.
Những con số này cho thấy nhu cầu cấp thiết về các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng liên quan đến các bệnh không lây nhiễm.
Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 50% nhưng tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì lại tăng từ gần 6% năm 2013 lên hơn 10,6% trong năm 2019.
Khảo sát này cũng lần đầu tiên đưa con số về học sinh tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Bình quân cả nước, tỷ lệ này là 2,6%, nhưng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM con số này lại lên đến gần 8%.
Vì thế, Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam ra đời nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa bệnh cho giới trẻ. Trên phạm vi toàn cầu, Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên được triển khai từ năm 2010 đến nay và đã tiếp cận tới hơn 10 triệu thanh niên ở trên 40 quốc gia thuộc 5 châu lục.
Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 được triển khai sẽ tiến hành trong 3 năm.
Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về những hành vi có nguy cơ cao và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm. Qua đó, giúp những người trẻ, đặc biệt những người trong nhóm tuổi 10-24, có năng lực và quyết định để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Chương trình đặt mục tiêu cung cấp kiến thức kỹ năng liên quan đến dự phòng các bệnh không lây nhiễm trực tiếp cho khoảng 49.300 thanh thiếu niên Việt Nam trong 29 trường phổ thông và trường đại học.
Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ cung cấp thông tin cho khoảng 300.000 người dân trong cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trước đó giai đoạn 1 dự án triển khai từ năm 2019 đến 2022 đã thu được kết quả tích cực. 81% thanh thiếu niên tham gia chương trình đã thể hiện sự tăng cường nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, 79% tăng cường nhận thức về từ 3 loại bệnh không lây nhiễm trở lên.
Tỷ lệ thanh thiếu niên có các hành vi tích cực về dinh dưỡng lành mạnh tăng 63%.